Ngư lôi hạt nhân "Poseidon"
Ngư lôi hạt nhân Poseidon, được Tổng thống Nga Putin chính thức công bố ngày 1/3/2018, đang thu hút sự chú ý của giới quân sự Mỹ. Phương tiện không người lái dưới nước này được trang bị động cơ sử dụng năng lượng hạt nhân, giúp ngư lôi có tầm hoạt động rất lớn. Poseidon có đường kính 1,8m, dài 20m, và trọng lượng 100 tấn. Tất cả dữ liệu chỉ mang tính tham khảo, vì thông tin về đặc tính của vũ khí vẫn còn bí mật.
Hình dáng mô phỏng ngư lôi Poseidon. (Ảnh: topwar.ru)
Tàu ngầm hạt nhân K-329 "Belgorod" đang được chế tạo đặc biệt như một phương tiện mang loại ngư lôi mới này. Poseidon có thể mang hoặc không mang đầu đạn hạt nhân hạng nặng. Trong phiên bản có đầu đạn hạt nhân, nhiệm vụ chính của Poseidon là vận chuyển vũ khí hạt nhân đến bờ biển của kẻ thù tiềm tàng để phá hủy các mục tiêu quan trọng của cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự.
Vụ nổ hạt nhân của một ngư lôi như vậy dẫn đến việc gây ra thiệt hại lớn cho đối phương thông qua việc hình thành các vùng ô nhiễm phóng xạ rộng, phá hủy cơ sở hạ tầng và hình thành sóng thần nhân tạo. Ngoài các thành phố trên bờ biển, ngư lôi hạt nhân có thể được sử dụng để tiêu diệt các nhóm tấn công tàu sân bay, các căn cứ hải quân của đối phương với mục đích tiêu diệt hạm đội tại căn cứ.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph
Người Mỹ đặc biệt chú ý đến các hệ thống phòng không của Nga, trong đó có hệ thống S-400 Triumph, vốn đã được Trung Quốc, Ấn Độ và một quốc gia NATO là Thổ Nhĩ Kỳ mua. Điều này được giải thích là do học thuyết về các hoạt động quân sự của Mỹ chủ trương dùng các cuộc không kích và tên lửa quy mô lớn tấn công các mục tiêu của đối phương được bảo vệ bởi hệ thống phòng không đa tầng.
Là bước phát triển tiếp theo của dự án đã thành công S-300, S-400 là hệ thống phòng không tầm xa và tầm trung tiên tiến có khả năng sát thương hiệu quả mọi loại vũ khí tấn công hàng không vũ trụ hiện đại. Khả năng của nó không chỉ giới hạn ở việc tiêu diệt trực thăng và máy bay của đối phương. Tổ hợp có thể chống lại máy bay không người lái, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và thậm chí cả các mục tiêu siêu thanh một cách hiệu quả.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 "Triumph". (Ảnh: topwar.ru)
Radar cảnh báo sớm là một phần của tổ hợp, có thể phát hiện các mục tiêu là "máy bay chiến lược" ở khoảng cách lên tới 570 km. Hiện tại, chính thức có 5 loại tên lửa có thể được sử dụng cùng với tổ hợp S-400. Các tên lửa này có khả năng bắn trúng các mục tiêu trên không ở khoảng cách từ 15 đến 380 km và ở độ cao lên tới 30-35km. Một số tên lửa có khả năng bắn trúng mục tiêu trên không ở độ cao 5m, theo chỉ số này, S-400 vượt trội so với hệ thống phòng không Patriot của Mỹ.
Tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S1
Hệ thống pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S1 có tiềm năng xuất khẩu lớn đã được sử dụng trong các cuộc xung đột cục bộ trong những năm gần đây trên khắp thế giới. Tổ hợp tự hành đã trở thành sự kế thừa xứng đáng các tổ hợp Shilka và Tunguska. Dàn pháo của tổ hợp Pantsir-S1 được trang bị 2 khẩu pháo phòng không 2A38M 30 mm với cơ số đạn 1.400 viên. Pháo có thể tấn công các mục tiêu trên không ở khoảng cách 200–4.000m ở độ cao lên đến 3.000m.
Tổ hợp Pantsir-S1 được gắn 12 tên lửa, có thể đánh trúng mục tiêu trên không ở khoảng cách đến 20.000m, ở độ cao lên đến 15.000m và có thể bắn đồng thời 4 mục tiêu. Pantsir-S1 có khả năng tấn công hàng loạt mục tiêu trên không đang di chuyển với tốc độ tối đa lên tới 1.000 m/s. Hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn đa kênh có thể tấn công các mục tiêu trên không, ngay cả khi đang di chuyển.
Hệ thống pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S1. (Ảnh: topwar.ru)
Thực tế, Pantsir-S có thể được sử dụng để tổ chức phòng không các cơ sở quân sự, hành chính-công nghiệp và các khu vực riêng lẻ, cũng như bảo vệ quân đội khi hành quân. Ngoài ra, nó có thể được sử dụng để tăng cường các nhóm phòng không khi đẩy lùi các cuộc tấn công ồ ạt của nhiều loại vũ khí tấn công đường không của đối phương, cũng như để bảo vệ bổ sung cho các hệ thống phòng không tầm xa, chẳng hạn như S-400 và các trạm radar.
Trực thăng tấn công Mi-28NM
Các nhà báo Mỹ mang trực thăng tấn công Mi-28NM (mà không phải Ka-52) so sánh với trực thăng tấn công AH-64 Apache. Máy bay trực thăng Mi-28NM hiện là loại máy bay tiên tiến nhất trong dòng Mi-28, có thể phát hiện và tấn công mục tiêu ban đêm hiệu quả. Phiên bản Mi-28NM được trang bị radar H025 mới, một hệ thống điều khiển kép, nhờ đó người điều khiển vũ khí cũng có thể điều khiển trực thăng.
Ngoài ra, phiên bản Mi-28NM có các giải pháp chống lại hệ thống phòng không của đối phương và khả năng điều khiển UAV. Máy bay trực thăng Mi-28 có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 300 km/h và tầm bay tối đa là 450 km. Với thùng nhiên liệu bên ngoài, phạm vi hoạt động có thể được mở rộng lên 1.087 km, trần bay 5.600m.
Trực thăng tấn công Mi-28NM đang khai hỏa. (Ảnh: dfnc.ru)
Mi-28NM được trang bị pháo tự động 2A42 30 mm (cơ số đạn 250 viên). Nó có thể mang nhiều loại vũ khí tên lửa tại 4 điểm treo, bao gồm tên lửa dẫn đường đa năng hạng nhẹ thuộc các lớp không đối không và không đối đất. Ngoài ra, trực thăng có thể mang tới 16 tên lửa chống tăng có điều khiển "Attack-V" và các tên lửa máy bay không điều khiển S-8 và S-13. Đầu năm 2019, máy bay trực thăng mới của Nga đã được thử nghiệm thành công trong điều kiện chiến đấu ở Syria.
Hệ thống tên lửa chiến lược RS-24 Yars
Trong số các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của quân đội Nga, người Mỹ “ớn” phiên bản di động của hệ thống tên lửa RS-24 Yars. Tổ hợp dựa trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa 3 tầng sử dụng động cơ đẩy dùng nhiên liệu rắn với nhiều đầu đạn, cũng có phiên bản sử dụng từ silo. Phiên bản di động cũng nhận được sự quan tâm lớn nhất trên thế giới. Không có loại vũ khí chiến lược nào tương tự trong kho vũ khí của quân đội Mỹ.
Tổ hợp tên lửa RS-24 Yars. (Ảnh: topwar.ru)
Bản thân tổ hợp này là phiên bản cải tiến của tổ hợp Topol-M nổi tiếng. Hiện tại, RS-24 Yars là trụ cột của Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga. Các phiên bản di động có thể dễ dàng thay đổi vị trí và có tính cơ động cao nhờ được bố trí trên khung gầm 8 trục MZKT-79221 được chế tạo đặc biệt. Tên lửa RS-24 Yars có khả năng đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách hơn 10.000 km, trọng lượng phóng của tên lửa ước tính khoảng 46 tấn.
Tên lửa Yars có thể được trang bị 3-6 đầu đạn. Ở phiên bản có 3-4 đầu đạn, công suất của chúng là 300 kt, ở phiên bản có 6 đầu đạn, công suất của mỗi đầu đạn giảm xuống còn 150 kt. Tính cơ động tạo ra ưu thế cho tổ hợp - rất khó bị phát hiện khi nó đã rời khỏi nơi triển khai. Yars có hệ thống tính toán lại dữ liệu bay, cho phép phóng ICBM từ bất kỳ điểm nào trên đường tuần tra, không phụ thuộc vào bất kỳ địa điểm phóng cụ thể nào. Thời gian đưa tổ hợp vào trạng thái chiến đấu chỉ mất vài phút.