Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đề xuất thi tốt nghiệp THPT 2025 bằng 5 môn

(VTC News) -

Thi tốt nghiệp bằng 3 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn sẽ giảm áp lực thi cử, cân bằng chọn tổ hợp môn và công bằng về đánh giá kết quả học tập giữa các thí sinh.

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm lấy ý kiến đóng góp của các sở giáo dục và toàn giáo viên trên cả nước.

Bộ GD&ĐT dự kiến tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ chung đề, chung đợt, cho học sinh tự quyết định chọn môn học để dự thi tốt nghiệp trong số các môn học lựa chọn.

Về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ đề xuất hai phương án. Theo đó, phương án 1 gồm 6 môn, trong đó 4 môn bắt buộc (Toán - Ngữ văn - Lịch sử - Ngoại ngữ) + 2 môn tự chọn (trong số các môn học sinh chọn học ở lớp 12).

Phương án 2 gồm 5 môn trong đó Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn đã được học (trong đó có cả môn Lịch sử).

Đề xuất thi tốt nghiệp THPT 2025 bằng 5 môn. (Ảnh minh hoạ)

Trên các diễn đàn nhiều nhà khoa học, nhiều nhà quản lý giáo dục, nhiều phụ huynh và nhiều giáo viên tham gia đóng góp sôi nổi. Mặt khác, Nghị quyết 29 nêu rõ là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam để hội nhập sâu rộng với thế giới và trở thành công dân toàn cầu.

Như vậy đổi mới sách giáo khoa thì kéo theo đổi mới phương pháp giảng dạy và tiếp tục đổi mới thi cử sao cho phù hợp với năng lực của mỗi học sinh; quan điểm chung của các chuyên gia và giáo viên khi thực hiện thì học sinh học chương trình nhẹ nhàng nên thi cũng nhệ nhàng và không áp lực.

Trong buổi tổng kết năm học 2022 - 2023 của toàn ngành giáo dục và theo tinh thần chỉ đạo Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT cần tiếp tục đổi mới thi, công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng nghiêm túc, gọn nhẹ, giảm áp lực nhưng vẫn phải chú trọng chất lượng.

Với những lập luân trên, tôi mong muốn Bộ GD&ĐT sử dụng phương án 2 về thi tốt nghiệp THPT là hợp lý vì có các yêu điểm sau.

Một là, thể hiện cân bằng trong việc chọn tổ hợp môn cho thí sinh. Thí sinh thi khối A thì chọn môn Lý và môn Hoá, thí sinh thi khối B chọn môn Hoá và môn Sinh, thí sinh thi khối C chọn môn Sử và môn Địa… Như vậy, là rạch ròi từng tổ hợp giúp học sinh xác định môn học ngay từ đầu năm để có kế hoạch ôn thi hiệu quả hơn và làm cở sở xét tuyển đại học.

Hai là, giảm áp lực thi cử cho thí sinh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay là 6 môn và nay còn 5 môn coi như là giảm 1 môn thì học sinh học đỡ vất vả hơn trong việc ôn thi tốt nghiệp. Công tác tổ chức thi và việc dự thi của thí sinh gọn nhẹ, giảm tốn kém đồng thời phù hợp với quy định về môn học bắt buộc và môn học lựa chọn của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ba là, công bằng về đánh giá kết quả học tập giữa các đối tượng thí sinh. Thông thường học sinh giỏi các môn tự nhiên thì yếu về các môn xã hội do lười học bài và ngược lại. Với phương án 2 là giúp thí sinh phát huy năng lực, sở trường; tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển vào cơ sở giáo dục đại học.

Với những ưu điểm nói trên nhưng mong muốn Bộ GD&ĐT cần rạch ròi cho từng đối tượng học sinh vì mục tiêu và đích đến khác nhau. Cụ thể:

Với những học sinh không có nguyện vọng xét tuyển đại học thì thi tốt nghiệp THPT với 5 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai môn tự chọn. Trong đó, môn Toán, Ngoại ngữ và hai môn tự chọn thi theo hình thức trắc nghiệm.

Toán 45 câu tương ứng 60 phút, Ngoại ngữ 40 câu tương ứng 50 phút, hai môn tự chọn 30 câu tương ứng 45 phút và chỉ ra kiến thức của lớp 12; môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận với thời lượng 90 phút.

Trong tương lai gần Bộ GD&ĐT cần hướng đến xét tốt nghiệp cho đối tượng học sinh này. Theo tôi bằng tốt nghiệp THPT hiện nay coi như là tấm thẻ thông hành để các em đi học nghề và tham gia lao động sản xuất. Hơn nữa, nó chỉ đánh dấu chặng đường học phổ thông của học sinh mà không cần tạo áp lực suốt ngày vùi đầu ôn thi.

Chúng ta biết rằng, chương trình giáo dục phổ thông mới được thiết kế theo hướng phát triển năng lực, vì thế cần ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực học sinh. Sự ổn định của 5 môn thi nói trên là phù hợp để học sinh còn có thời gian giúp việc nhà vì các em có xét tuyển đại học đâu mà học ngày, học đêm.

Với học sinh có nguyện vọng xét tuyển đại học thì thi tốt nghiệp THPT cũng 5 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai môn tự chọn. Trong đó, môn Toán, Ngoại ngữ và hai môn tự chọn thi theo hình thức trắc nghiệm.

Môn Toán 50 câu tương ứng 90 phút như hiện nay đang thực hiện. Môn Ngoại ngữ 50 câu gồm 60 phút, hai môn tự chọn 40 câu tương ứng 60 phút, môn Ngữ văn thi thi theo hình thức tự luận với thời lượng 120 phút.

Đề thi được thết kế khó hơn. Ví dụ với môn toán ngoài 35 câu cơ bản để xét tốt nghiệp nói trên thì có bổ sung thêm 15 câu nâng cao để phân loại và làm tiền đề cho các trường đại học xét tuyển. Tương tự các môn Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa,...có 30 câu cơ bản để công nhận tốt nghiệp và 10 câu nâng cao nhằm xét tuyển đại học.

ThS Nguyễn Quang Thi (Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng)

Tin mới