Thông tin đính chính này được Bộ GD&ĐT đưa ra sau khi công bố dự thảo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đang gây xôn xao dư luận khi không thi môn Địa lý.
"Phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 trở đi gồm các môn học bắt buộc và các môn học lựa chọn trong chương trình giáo dục phổ thông năm mới: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ", Bộ GD&ĐT thông báo đính chính.
Như vậy, với việc đính chính thêm môn Địa lý, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 dự kiến sẽ có 11 môn thi bắt buộc và các môn học lựa chọn thay vì 10 môn như thông tin trước đó.
Bộ GD&ĐT đính chính thông tin tốt nghiệp bỏ môn Địa, bắt buộc thi Sử. (Ảnh minh hoạ: N.A)
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến rộng rãi về phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ 2025. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu sau khi có thêm ý kiến của 63 tỉnh thành bằng văn bản, sẽ phải hoàn thiện phương án trình lãnh đạo Bộ báo cáo xin ý kiến thường trực Chính phủ trước khi công bố, hoàn thành trong tháng 9/2023.
Bộ đề nghị các đơn vị liên quan, địa phương thành lập ban chỉ đạo thực hiện phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025 với các thành viên từ các đơn vị có liên quan, phân công công việc cụ thể để triển khai. Tiếp đó, các đơn vị xây dựng đề án và kế hoạch triển khai thực hiện phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo lộ trình từ nay đến năm 2030.
Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tập huấn lực lượng giáo viên xây dựng câu hỏi thi, ra đề thi phù hợp với yêu cầu hương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm cả chuyên sâu và đại trà; tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ và tập huấn cho nhiều đối tượng tham gia xây dựng câu hỏi thi. Công tác này cần bắt đầu từ quý IV/2023.
Hôm qua (13/9), Bộ GD&ĐT thông báo dự thảo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 dự kiến có 4 môn bắt buộc và 6 môn lựa chọn. Trong đó, 4 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử. Các môn tự chọn gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, Tin học.
Danh sách 10 môn thi này không bao gồm các môn học: Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm.
Thông tin này lập tức gây xôn xao dư luận khi môn Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc còn môn Địa lý thì bị bỏ ra khỏi danh sách môn thi. Điều này đặt ra những lo ngại trong quá trình xét tuyển các ngành học liên quan sâu sắc tới môn Địa lý như: Sư phạm Địa lý, Địa lý học, Địa lý tự nhiên, Địa lý kinh tế, Khoa học môi trường, Kỹ thuật trắc địa - bản đồ...