Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đề nghị các nhà xuất bản giảm tối đa giá sách giáo khoa lớp 1 mới

Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT vừa có văn bản đề nghị các nhà xuất bản giảm giá sách giáo khoa lớp 1 mới nhằm bình ổn giá.

Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT) cho biết, trong quy định của Luật giá 2012 và các văn bản hướng dẫn, sách giáo khoa thuộc mặt hàng kê khai giá với Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, sách giáo khoa thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn nên Nhà nước cần có giải pháp cấp bách để điều tiết giá.

Vì vậy, Bộ GD&ĐT có văn bản kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa.

Ngày 26/3, Bộ Tài chính trình báo cáo lên Chính phủ về đề xuất bổ sung mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (hình thức giá tối đa).

Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến các thành viên Chính phủ để báo cáo Quốc hội.

Theo Vụ Kế hoạch – Tài chính, sau khi được Quốc hội đồng ý, việc bình ổn giá sách giáo khoa chắc chắn sẽ tốt hơn.

Sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021. (Ảnh: H.C)

Đề nghị các nhà xuất bản giảm giá sách tối đa

Trước mắt, đối với giá sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá quý 4/2019, Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT đều có văn bản đề nghị các nhà xuất bản nghiêm túc, chặt chẽ trong kiểm soát chi phí sản xuất, giảm tối đa giá sách giáo khoa nhằm mục tiêu bình ổn giá.

Tiếp tục thực hiện các chỉ đạo mới của Thủ tướng, ngày 4/6, Bộ GD&ĐT có công văn yêu cầu các nhà xuất bản thực hiện rà soát phương án giá sách giáo khoa để tiết giảm tối đa chi phí sản xuất, tiếp tục giảm giá sách giáo khoa để hỗ trợ người tiêu dùng. Đồng thời, các nhà xuất bản đánh giá tác động đến chỉ số CPI báo cáo về Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT trước ngày 20/6 để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Ngoài ra, theo nghị định số 86 và thông tư số 109 có quy định hỗ trợ sách giáo khoa cho các em học sinh hoàn cảnh khó khăn, học sinh người dân tộc.

Hằng năm, Bộ GD&ĐT đều chỉ đạo các nhà xuất bản phối hợp các Vụ, Cục và địa phương thực hiện các công tác xã hội như tặng sách giáo khoa cho con các gia đình chính sách, gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, đầu tư xây dựng tủ sách dùng chung, tổ chức mua sách giáo khoa cũ tặng cho thư viện các trường học thuộc địa bàn khó khăn, nhằm bảo đảm các em học sinh có đầy đủ sách đến trường.

Đối với Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT sẽ cùng Dự án GREP cấp sách cho các thư viện vùng khó khăn để các trường có thể cho học sinh dùng chung.

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới