Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chọn sách giáo khoa lớp 1: Phụ huynh có vai trò gì?

(VTC News) -

Nhiều giáo viên đánh giá việc đưa ban đại diện cha mẹ học sinh vào thành phần hội đồng lựa chọn sách giáo khoa chỉ mang tính hình thức.

Theo thông tư số 1/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm học 2020-2021 quy định trong hội đồng chọn sách giáo khoa phải có phụ huynh học sinh.

Tuy nhiên, nhiều trường phản ánh điều này rất khó thực hiện vì thời điểm chọn sách, không trường nào biết phụ huynh lớp 1 năm học tới là ai để mời vào hội đồng hoặc nếu mời phụ huynh học sinh lớp 1, lớp 2 đang theo học tại trường tham gia chưa thật sự đúng với tinh thần của thông tư.

Phụ huynh có thực sự được chọn sách?

GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định, sự xuất hiện của ban đại diện cha mẹ học sinh là cần thiết. Bởi phụ huynh ngày nay khá gắn bó với việc hướng dẫn, dạy con học tại nhà, như vậy họ cũng cần biết sách giáo khoa ra sao để hướng dẫn con học.

Mặt khác, các vấn đề liên quan đến kiến thức lịch sử, địa lý, văn hóa, phong tục tập quán… địa phương, chắc chắn phụ huynh có sự am hiểu nhất định. Với những kiến thức, hiểu biết của mình, họ hoàn toàn có thể đóng góp tốt cho việc lựa chọn sách giáo khoa.

Giáo viên thảo luận lựa chọn sách giáo khoa lớp 1. ( Ảnh minh hoạ)

 

Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều người trong nghề, giáo viên đọc sách giáo khoa mà có chi tiết còn phải nghiên cứu đi nghiên cứu lại, huống chi đại diện phụ huynh học sinh không phải ai cũng có đủ chuyên môn, thời gian để đọc, so sánh các sách rồi đưa ra lựa chọn… Đồng thời tất cả các trường chưa tuyển sinh nên không thể cử đại diện phụ huynh là cha mẹ học sinh lớp 1 sắp tới.

Cô Nguyễn Hoàng Oanh, giáo viên trường tiểu học ở Hà Đông, Hà Nội cho rằng, việc đưa ban đại diện cha mẹ học sinh vào thành phần hội đồng lựa chọn sách giáo khoa chỉ mang tính hình thức, chưa thực sự thể hiện vai trò như thông tư 01 quy định. Đồng thời, những phụ huynh đại diện cho đợt chọn sách này không phải là phụ huynh có con em học lớp 1 sắp tới, sao có thể đại diện?

“Phụ huynh là lực lượng giám sát”

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết, sự tham gia của đại diện ban cha mẹ học sinh trong Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông có vai trò như lực lượng giám sát xã hội để đảm bảo việc thực hiện các quy trình lựa chọn công khai, minh bạch.

Sách giáo khoa lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới.

"Đại diện phụ huynh không có vai trò nghiên cứu chuyên môn sâu về sách giáo khoa. Công việc này do tổ chuyên môn của các nhà trường thực hiện, bỏ phiếu để đề xuất danh mục sách giáo khoa được lựa chọn xếp thứ tự từ cao xuống thấp", ông Tài nhấn mạnh.

Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa sẽ thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trong danh mục tổ chuyên môn đề xuất, căn cứ các quy định của Thông tư 01 và tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa của UBND tỉnh để bỏ phiếu lựa chọn sách giáo khoa phù hợp nhất với cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, nhiều trường ban đầu chưa hiểu được ý nghĩa nên lúng túng trong việc mời đại diện ban cha mẹ học sinh tham gia Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa. Tuy nhiên, sau khi Bộ GD&ĐT có thông tin hướng dẫn, các trường đã thực hiện tốt quy định này.

"Sau khi hoàn thành lựa chọn sách giáo khoa, tới đây Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các Sở GD&ĐT và nhà xuất bản có sách giáo khoa được lựa chọn phải lên kế hoạch chi tiết việc tập huấn giáo viên sử dụng sách giáo khoa; đảm bảo 100% giáo viên lớp 1 được tập huấn trước năm học mới", ông Tài cho biết thêm.

Theo ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT, đến hết ngày 23/5, Bộ GD&ĐT đã nhận được công văn của 63 Sở GD&ĐT, báo cáo kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. 100% các trường đã hoàn thành việc lựa chọn sách giáo khoa và đang công bố kết quả này tới phụ huynh, học sinh, giáo viên.

46 sách giáo khoa được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt đều được lựa chọn. 61 địa phương chọn ít nhất sách giáo khoa từ 3 bộ sách trở lên, tính cả sách giáo khoa môn tự chọn tiếng Anh; trong đó 35 tỉnh chọn sách giáo khoa của cả 5 bộ.

Hà Cường

Tin mới