Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

ĐBQH: Số lượng cán bộ y tế phải trả giá cho đại dịch COVID-19 quá lớn

(VTC News) -

ĐBQH kiến nghị có cơ chế bảo vệ người làm việc trong tình hình tương tự đại dịch COVID-19, xây dựng ngành y tế mạnh hơn để ứng phó tốt hơn trong trường hợp khẩn cấp.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Số lượng cán bộ y tế phải trả giá cho đại dịch COVID-19 quá lớn

"Trong việc phòng chống dịch COVID-19, chúng ta thu được rất nhiều thành quả, được thế giới ghi nhận. Tuy nhiên, tôi - với tư cách người dân - chỉ thấy rằng chúng ta chiến thắng mà thay tướng, "trảm" tướng thì suy ra là thất bại. Nguyên hệ thống ngành y tế, số lượng cán bộ y tế phải trả giá cho đại dịch quá lớn", đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan phát biểu trong phiên thảo luận chiều 29/5, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Đánh giá việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, đại biểu của TP.HCM chỉ ra nhiều điểm nghẽn mà nếu không được khắc phục, ngành Y tế khó xoay sở khi những biến cố tương tự như đại dịch COVID-19 có thể xảy ra trong tương lai. Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, có nhiều cơ chế, chính sách trở nên bất hợp lý khi áp dụng trong điều kiện bất bình thường của đại dịch chưa từng có.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan

Vị chuyên gia ngành Y, Dược nêu ví dụ: "Chúng ta rất khó khăn trong việc huy động nguồn lực. Rất nhiều doanh nghiệp, người dân có tấm lòng vàng muốn đóng góp nhưng đóng góp cũng không dễ. Chúng tôi ở TP.HCM, trong tâm dịch, cũng phải khuyên các doanh nghiệp ở cơ sở là đóng góp bằng hiện vật chứ đừng đóng góp bằng tiền, chúng tôi không dùng được.

Về quản lý, chúng ta chưa phân biệt được giữa dịch bệnh chưa gặp lần nào với đời thường. Ví dụ như đối với vaccine phòng chống COVID-19, Chính phủ có mua được không với tất cả quy định bây giờ? Chúng ta may mắn vì có nguồn vaccine ngoại giao và công ty tư nhân thương thảo ký được hợp đồng nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Phải làm sao để nguồn lực được sử dụng chính thức. Vướng mắc nằm ở quy chế đấu thầu mà trong luật đấu thầu chúng ta thảo luận chưa thấy cách nào gỡ rối. Nếu dịch xảy ra ta lại tiếp tục thiếu.

Khi tất cả đang thiếu vaccine, thì ta lại không cho phép tiêm dịch vụ để bớt gánh nặng cho công lập. Lúc cả cộng đồng sục sôi thiếu thuốc điều trị thì Bộ Y tế chậm trễ cấp số đăng ký thuốc này mặc dù có tác dụng ở nước ngoài. Điều đó dẫn đến tình trạng mua bán ngoài vòng pháp luật, trên mạng đẩy giá, thiệt hại người dân rất nhiều".

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đặt vấn đề phải cân bằng giữa "xây" và "chống". Phải xây dựng cơ chế, hệ thống phù hợp để ứng phó tốt hơn với những trường hợp khẩn cấp. Vị đại biểu Quốc hội của TP.HCM ví 2 yếu tố này giống như điều trị bệnh nhân thập tử nhất sinh, thay vì bồi bổ nâng cao thể trạng lại chỉ "cắt bỏ phần hoại tử" và cho dùng thuốc mạnh dẫn đến không hiệu quả.

"Nếu chúng ta cứ e dè, sợ hãi và tự làm khó mình thì tôi lo sợ không biết chuyện gì xảy ra khi dịch bệnh trở lại, không chỉ COVID-19 mà còn nhiều thứ khác", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu quan điểm.

"Chúng ta xây dựng nền y tế, đây là môn kỹ thuật. Chúng tôi không thể dùng khẩu hiệu đi qua đại dịch. Phải có những cơ chế bảo vệ người làm việc trong mọi tình hình về sau này. Tôi cũng trong đoàn giám sát, cũng trong tâm dịch. Đoàn giám sát đến địa phương chứng kiến rất nhiều người rơi nước mắt", nữ đại biểu chia sẻ.

Thảo luận trong phiên họp chiều nay, nhiều đại biểu khác cũng nhấn mạnh vấn đề giải quyết các vướng mắc, bất cập trong quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ chống dịch. Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) kiến nghị cần xây dựng những kịch bản để bảo đảm ứng phó kịp thời với những dịch bệnh khẩn cấp có quy mô toàn cầu như đại dịch COVID-19.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) chung quan điểm về tính cần thiết của việc xây dựng kịch bản chuẩn cho tình huống dịch bệnh trở lại hoặc dịch bệnh khác để có sẵn giải pháp, quy trình cụ thể, tránh bị động và vấp phải các vấn đề như khi chống dịch COVID-19.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP.HCM) nhấn mạnh cần cơ chế phân cấp hợp lý trong ứng phó với dịch bệnh. Theo đó, việc cần làm trước mắt là hàn gắn những vết thương, hoàn thiện chính sách và đội ngũ để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân tốt hơn.

Đại biểu đề nghị cần có cơ chế phân cấp hợp lý hơn, giao thẩm quyền cho Chính phủ phân cấp cho UBND các tỉnh thành trong những trường hợp “chống dịch như chống giặc”, khẩn cấp và không chồng lấn, để kịp thời trong phản ứng, giúp đỡ tốt nhất cho người dân, tránh trường hợp “nước xa không cứu được lửa gần”.

Minh Anh

Tin mới