Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

ĐBQH: Sau dịch, bệnh viện rơi vào cảnh nợ doanh nghiệp thiết bị y tế, thuốc

(VTC News) -

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, nhiều cơ sở y tế hiện rơi vào thế khó không đủ cơ sở pháp lý để hoàn trả thiết bị y tế, thuốc được doanh nghiệp cho mượn chống dịch.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) cho biết, trong tình hình dịch COVID-19, chúng ta đau lòng khi chứng kiến nhiều người có chức, có quyền lợi dụng lòng tin, sự khó khăn của người dân, của đất nước làm trái quy định pháp luật. Những kẻ này đã làm giàu bất chính nhưng thực tế đã bị nghiêm trị.

Trong quá trình đi giám sát tại tỉnh Bình Thuận, một bác sĩ từng chia sẻ: "trong quá trình phòng chống dịch, đội ngũ y bác sĩ cố gắng hết mình động viên nhau làm mọi biện pháp để có oxy, sinh phẩm cứu chữa bệnh nhân, vì sinh mạng con người. Thời điểm đó xã hội coi họ là thiên thần áo trắng, nhưng khi hết dịch, vụ án Việt Á được đưa ra pháp luật, thì hình ảnh tốt các y bác sĩ toàn ngành đã không còn. Không chỉ vậy, các bác sĩ lại phải chuẩn bị các nội dung giải trình, làm rõ việc huy động nguồn lực, hoàn trả trang thiết bị cho các doanh nghiệp, tổ chức".

Sau khi hết dịch, các y bác sĩ ở bệnh viện lại đối mặt với nỗi lo trả trang thiết bị y tế, oxy, thuốc men cho đơn vị doanh nghiệp từng mượn trong lúc chống dịch khẩn cấp. "Hiện các đơn vị doanh nghiệp liên tục đòi nợ nhưng các cơ sở y tế không có đủ cơ sở pháp lý để hoàn trả", đại biểu Nguyễn Hữu Thông nêu.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông phát biểu sáng 29/5.

Do đó, ông Nguyễn Hữu Thông kiến nghị Bộ Y tế, Chính phủ cần nghiên cứu hoàn thiện cơ chế về việc chi, có cơ chế riêng trong mua sắm, trang bị thiết bị y tế phòng chống khi dịch xuất hiện, tránh bị động. Đồng thời, ông Thông đề nghị khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, Bộ, ngành giải quyết việc mua sắm, mượn thiết bị, thuốc, vật tư, hoá chất... hoàn trả cho doanh nghiệp.

Đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) cũng đề xuất, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn ngay việc xác lập sở hữu toàn dân đối với những tài sản tài trợ trong phòng, chống dịch COVID để quản lý, sở hữu, sử dụng, nhất là đối với các cơ sở y tế, xác định tính giá dịch vụ và thanh toán bảo hiểm y tế.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn Bắc Kạn) cũng chỉ ra thực trạng dẫn đến sai phạm trong mua sắm trang thiết vị, vật tư y tế thời gian chống dịch COVID-19. Nguyên nhân một số cán bộ được phân công tham gia đấu thầu thiếu kinh nghiệm; thủ tục thực hiện đấu thầu kéo dài vì liên quan đến xác định giá dự toán gói thầu, trong khi đó việc cung ứng vật tư hóa chất, sinh phẩm là đòi hỏi cấp bách.

Tại một số thời điểm các mặt hàng y tế khan hiếm, giá cả thường xuyên dao động nên đã xảy ra tình trạng thiếu vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch nên phải đi vay, mượn hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch.

Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ, ngành liên quan sớm tham mưu có phương án xử lý dứt điểm vướng mắc nêu trên.

Hà Cường - Minh Anh

Tin mới