Theo ghi nhận tại Bệnh viện Việt Đức, sau khi giám đốc bệnh viện thông tin, từ 1/3, bắt đầu dừng thực hiện các ca mổ phiên, chỉ mổ cấp cứu những ca nặng vì thiếu vật tư y tế, hóa chất, số lượng người bệnh đến khám và điều trị vẫn rất đông. Những bệnh nhân được hỏi đều cho thấy sự hài lòng.
Chị Nguyễn Thị Lan Anh, giáo viên dạy Văn ở Lào Cai cho biết: “Sau khi lấy phiếu vào phòng khám, tôi được các y bác sĩ quan tâm tận tình và cảm thấy rất hài lòng. Cách đây 3 tuần, tôi mổ tái tạo dây chằng phía trước ở gối phải sau khi bị chấn thương. Tôi từ Lào Cai xuống bệnh viện vào thứ Tư. Sau khi được thăm khám, chụp chiếu, bác sĩ đã cho tôi nhập viện chiều thứ Năm và thứ Sáu được mổ luôn. Chấn thương của tôi lúc đó không phải là mổ cấp cứu”.
Bệnh nhân tăng đột biến tại Bệnh viện Việt Đức
Theo chị Lan Anh, thông thường người già, người bệnh nặng sẽ được xếp lịch mổ trước. Với trường hợp của mình, chị Lan Anh cảm thấy rất hài lòng, khi nhà xa nhưng không phải đợi qua thứ Bảy và Chủ nhật để thực hiện ca mổ: “Như vậy, tôi đã đỡ được khoản tiền thuê nhà nếu phải ở lại đợi hai ngày cuối tuần”.
Trong sáng 1/3, cũng có trường hợp cựu chiến binh từ Quảng Trị ra Bệnh viện Việt Đức thăm khám vết thương tái phát từ thời chiến tranh. Người nhà bệnh nhân cho biết, quá trình khám diễn ra suôn sẻ và bác sĩ chẩn đoán thực hiện phẫu thuật. Song theo người nhà bệnh nhân, bác sĩ không đề cập việc phải chờ đợi để được mổ.
Trước đó, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức thông tin việc bệnh viện sẽ dừng mổ phiên từ ngày 1/3 vì thiếu vật tư y tế, hóa chất. Như vậy, có thể có tới hàng trăm ca mổ tại đây phải lùi lịch.
Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Cấp cứu A9 liên tục tiếp nhận bệnh nhân. Người nhà (giấu tên) của bệnh nhân phải cấp cứu do bị ngã và phải đổ xi măng cột sống cho biết: “Khi đưa người nhà vào khoa A9 chúng tôi không gặp bất cứ khó khăn gì. Tôi cũng nghe thông tin ở một số bệnh viện về tình trạng thiếu thuốc phải lùi lịch mổ, nhưng ở đây không có. Nhà tôi hôm nay (ngày 1/3-PV) nhập viện thì mai thực hiện mổ. Nếu lên sớm thì đã có thể mổ luôn trong ngày”.
Người nhà của bệnh nhân cũng cho rằng, Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối, do vậy, nếu bị thiếu thuốc, ảnh hưởng đến khám, chữa bệnh thì sẽ rất nghiêm trọng.
Trung tâm Cấp cứu A9, BV Bạch Mai
Có những trường hợp bệnh nhân từ Phú Thọ xuống Bệnh viện Bạch Mai khám bệnh cũng cho biết, họ không gặp bất cứ khó khăn nào. Sau khi được bác sĩ kê đơn thuốc, người bệnh cũng mua được thuốc ngay tại nhà thuốc của bệnh viện.
PGS.TS. BS Nguyễn Văn Chi, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, cho biết Bệnh viện Bạch Mai cũng đối mặt với cùng những khó khăn chung của ngành y tế sau đại dịch COVID-19, nhất là vấn đề thiếu dụng cụ máy móc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao và thuốc.
“Chúng tôi đã gặp những khó khăn như vậy và với mong muốn là chăm sóc tốt nhất cho cho người bệnh, Bệnh viện Bạch mai luôn tìm ra những cách để đáp ứng được nhu cầu của người bệnh. Mặc dù là hết sức khó khăn nhưng vẫn cố gắng cao nhất để đảm bảo được người bệnh được khám và điều trị ở mức độ tốt nhất có thể”, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Chi chia sẻ.
Lãnh đạo các bệnh viện cho rằng, tình cảnh hiện nay khiến người bệnh phải chịu thiệt thòi lớn. Các bệnh viện tuyến dưới có giải pháp khi hết vật tư, thiết bị là chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, lên tuyến cuối. Nhưng là bệnh viện tuyến cuối, không thể chuyển bệnh nhân đi đâu được và sẽ phải tiếp nhận tất cả các bệnh nhân được chuyển đến.
Tại cuộc tọa đàm “Ngành y vượt khó” diễn ra sáng 23/2, lãnh đạo hai bệnh viện lớn là Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cùng cho rằng, thuốc và thiết bị y tế là vấn đề vô cùng khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức: “Số lượng người bệnh thường xuyên đến và phải chờ đợi được điều trị tại bệnh viện rất nhiều trong khi những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để có thể mua được hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế hiện tại vẫn đang hết sức vướng mắc. Theo đó, nhiều bệnh viện khác như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K ở ngoài Bắc; Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP.HCM cũng có rất nhiều khó khăn để bảo đảm phục vụ người bệnh”.
GS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: “Ngay sau Tết, số lượng bệnh nhân tăng đột biến, không giống như mọi năm thường bước vào quý II hoặc tháng 2, tháng 3 âm lịch thì số lượng bệnh nhân mới đông. Nhưng năm nay số lượng bệnh nhân tăng đột biến ngay từ mùng 6 Tết. Sau khi đi làm ngày đầu tiên, số lượng bệnh nhân đến khám ngoại trú đã là 6.000 bệnh nhân. Do vậy, thiết bị để phục vụ khám chữa bệnh bệnh viện đang thiếu trầm trọng”.