Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

ĐBQH đề nghị thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của ngành thống kê

(VTC News) -

ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng đến lúc phải thay đổi cả mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của ngành thống kê.

Chiều 20/10, nêu ý kiến tại buổi thảo luận tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, về việc sửa đổi Luật thống kê, cần đánh giá tổng kết kỹ hơn chứ không chỉ sửa một phần cục bộ.

"Đã đến lúc phải thay đổi cả mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của ngành thống kê", ông Vân nói.

Đại biểu Lê Thanh Vân lấy ví dụ, trong đánh giá chỉ tiêu tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2021, số liệu của Tổng cục Thống kê và Bộ Kế hoạch và Đầu tư vênh nhau. Cụ thể, dự báo tăng trưởng bình quân 9 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê là 2,5%, còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là 3,5-4%. 

Ông Vân cho rằng tính lệ thuộc về đầu mối, các quan hệ công tác có thể khiến cho tính toán, số liệu thống kê không khách quan, đồng nhất. Ở nhiều quốc gia, ngành thống kê hoàn toàn độc lập, do đó, chúng ta cần xem xét địa vị pháp lý của Tổng cục Thống kê.

ĐBQH Lê Thanh Vân phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Vị đại biểu của đoàn Cà Mau cũng cho rằng, cần nghiên cứu kỹ các quốc gia có cùng mức độ tăng trưởng như nước ta. Bởi, thống kê là ngành kinh tế phục vụ đắc lực cho việc phân tích chính sách. Nếu như không liệt kê ra hết các tiêu chí để thống kê, từ đó định lượng được, thì sẽ không tính toán được biến số của nền kinh tế. Thống kê phải luôn song hành với cuộc sống, liệt kê được những diễn biến, biến số của cuộc sống.

Góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, ĐBQH Nguyễn Hữu Toàn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, phạm vi sửa đổi Luật Thống kê cần rộng hơn để phục vụ việc hoạch định chính sách, quan trọng hơn là đảm bảo thông suốt cùng một mặt bằng, phù hợp thông lệ quốc tế. 

Theo ông Toàn, hệ thống chỉ tiêu quốc gia phải đảm bảo được 3 yếu tố. Thứ nhất phải phản ánh khách quan, toàn diện tình hình thực tiễn thì mới phân tích, đánh giá được. Từ đó mới sang yếu tố thứ hai là giúp cho các cơ quan Đảng, Nhà nước hoạch định chính sách. Thứ ba là phải phù hợp với thông lệ quốc tế.

"Ví dụ như, có chỉ tiêu mình đánh giá cao nhưng quốc tế lại đánh giá mình thấp, ngược lại, có những chỉ tiêu mình thấy chưa cao khi so sánh ra lại cao. Tình trạng này sẽ dẫn đến lạc hướng trong điều hành chính sách", ông Toàn nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng các chỉ tiêu quốc gia hiện chỉ phục vụ hoạch định chính sách của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, như vậy là vẫn chưa đủ mà còn phải phục vụ cả người dân, doanh nghiệp. Những thông tin đó giúp họ phân tích, đánh giá thị trường để quyết định đường lối kinh doanh.

Nhấn mạnh sự cần thiết của hệ thống đánh giá chỉ tiêu đánh giá GDP và GRDP rất cần thiết, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn cho rằng, cần phải có sự thống nhất với nguyên tắc chung bởi phương pháp tính GDP rất nhiều, cách tính khác nhau sẽ dẫn đến sai số.

Xuân Trường - Quang Tuyền

Tin mới