PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, chủ biên chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên, Tổng chủ biên SGK Khoa học tự nhiên lớp 6 bộ Cánh Diều cho biết, dạy học tích hợp là hình thức dạy học phổ biến trên thế giới và gắn liền với việc phát triển năng lực học sinh. Tức là việc vận dụng kiến thức vào thực tiễn không chỉ ở một lĩnh vực khoa học nào mà phải vận dụng kiến thức của nhiều lĩnh vực mới có thể giải quyết được.
Trên thế giới hiện có khoảng 68 nước tổ chức dạy tích hợp ở bậc THCS. Ngay các nước láng giềng như Lào, Campuchia hay Singapore… tổ chức dạy học tích hợp và có môn Khoa học tự nhiên từ lâu.
PGS.TS Mai Sỹ Tuấn: "Dưới con mắt của nhiều người, môn Khoa học tự nhiên là phép cộng vào của 3 môn. Nhưng với tư cách là người làm chương trình, cách suy nghĩ này là không đầy đủ".
Vì sao Lý, Hóa, Sinh bị "biến mất"?
Đối với Việt Nam, theo PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, dạy học tích hợp được đặt ra từ khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông năm 2000. Tuy nhiên, khi đó điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên và nhận thức xã hội còn nhiều hạn chế nên chưa thể triển khai được. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học vẫn tồn tại là những môn độc lập. Đến nay, điều kiện đã chín muồi để có thể tổ chức dạy học tích hợp.
Với môn Khoa học tự nhiên nhiều người quan niệm đây là sự cộng vào của 3 môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Nhưng dưới con mắt của nhà khoa học giáo dục thì đây không phải là 3 môn cộng vào mà cần nhìn nó ở logic ngược lại. Đối với học sinh ở bậc tiểu học, THCS, các em chỉ cần học các môn Khoa học mang tính tổng hợp. Đến bậc THPT mới chia ra các lĩnh vực riêng.
“Như vậy, khi xây dựng môn học tích hợp chắc chắn có những môn từng là đơn môn sẽ bị mất đi. Ở cấp THCS sẽ không còn môn Vật lý, Hóa học, Sinh học nữa. Tuy nhiên, đơn môn không mất đi đâu cả vì ở bậc THPT sẽ có đơn môn. Khối lượng kiến thức cũng không mất đi đâu cả mà kiến thức được dạy cùng với kiến thức khác để quá trình vận dụng kiến thức được thuận lợi.
Tôi khẳng định, đây không phải là phép cộng cơ học mà là sự sắp xếp các kiến thức gần kề, cơ hữu lại với nhau để trở thành một tổng thể” – PGS.TS Mai Sỹ Tuấn nhấn mạnh.
Ba giáo viên cùng lên lớp?
Chia sẻ về thiết kế SGK môn Khoa học tự nhiên lớp 6, PGS.TS Mai Sỹ Tuấn cho biết, trong chương trình giáo dục phổ thông và SGK Khoa học tự nhiên (bộ Cánh Diều) sẽ không ghi cụ thể phần nào là phần Vật lý, Hóa học hay Sinh học. Bởi nếu vẫn ghi và phân mảng kiến thức cụ thể như thế thì giáo viên vẫn có cảm giác đây là môn học cộng vào của 3 môn Hóa Học, Vật Lý, Sinh học.
Ở bậc THCS sẽ không có môn học Vật lý, Hóa học, Sinh học. Thay vào đó là môn Khoa học tự nhiên. Với môn Khoa học tự nhiên khi xây dựng chương trình tính đến điều kiện tối thiểu mỗi một giáo viên có thể dạy được một phần nội dung trong SGK. Ví dụ giáo viên Hóa học có thể dạy nội dung về “chất và sự biến đổi của chất”, giáo viên Sinh học dạy mảng kiến thức về “Vật sống”…
Tuy nhiên, về lâu dài sự phân công như vậy cũng không thuận lợi. Tương lai, giáo viên phải được đào tạo, bồi dưỡng để có thể dạy được nhiều mảng kiến thức khác nhau.
Ở bậc THCS sẽ không có môn học Vật lý, Hóa học, Sinh học mà thay vào đó là môn Khoa học tự nhiên.
“Một số người ở trên mạng mô tả là một giờ học Khoa học tự nhiên sẽ có 3 thầy cô giáo cùng lên lớp dạy. Tôi khẳng định không có chuyện đó. Mỗi giáo viên chỉ dạy một giờ” - PGS.TS Mai Sỹ Tuấn nhấn mạnh.
Về khâu kiểm tra, đánh giá môn Khoa học tự nhiên trong thời gian sắp tới, chủ biên chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên Mai Sỹ Tuấn cho biết, việc kiểm tra đánh giá theo tinh thần mới là tập trung vào việc vận dụng kiến thức chứ không phải là kiểm tra ghi nhớ.
Việc kiểm tra không chỉ tập trung vào một mảng kiến thức cụ thể mà quan trọng là kiểm tra việc vận dụng kiến thức tổng hợp giữa các mảng kiến thức với nhau.