Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tích hợp Sử, Địa, Hoá, Lý, Sinh: 3 thầy cô dạy 1 môn, ai chịu trách nhiệm chính?

(VTC News) -

"Một môn học mà 3 giáo viên dạy, 3 sổ điểm, 3 giáo án khác nhau thì ai chịu trách nhiệm chính", giáo viên băn khoăn về việc dạy tích hợp các môn ở chương trình mới.

Bắt đầu từ năm học 2021 - 2022, lớp 6 sẽ tích hợp ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thành môn Khoa học tự nhiên và hai môn Lịch sử và Địa lý gộp thành một môn Lịch sử và Địa lý. Điều này sẽ gây khó khăn gì cho giáo viên khi bước sang mô hình liên môn từ năm học tới?

Thách thức lớn

Cô Nguyễn Thu Chương, giáo viên trường THCS ở Hoà Bình cho biết, hiện giáo viên ở cơ sở còn khá mơ hồ, bối rối cho việc chuẩn bị dạy các môn học tích hợp. Hầu hết họ lo lắng không biết phải tích hợp nội dung các môn học sao cho đúng, cho đủ và không chồng chéo giữa các đồng nghiệp cùng dạy môn đó.

Thực tế, không ít giáo viên tích hợp thiếu sự tính toán lượng kiến thức trong cùng một bài dạy nên dạy không đủ giờ. Khó nhất là giáo viên mới chỉ kịp truyền thụ phần kiến thức nên chưa liên hệ được phần kiến thức liên môn, kiến thức bổ trợ thì hết giờ. Một tuần mỗi lớp chỉ có từ 5 đến 10 tiết học, giáo viên phải khéo co kéo lắm mới cho đủ nội dung chính chứ chưa nói đến phần tích hợp liên môn.

Có đồng nghiệp của cô Chương còn nhầm tưởng tích hợp là dựa vào cái này để tranh thủ nói về cái kia, nói càng nhiều càng tốt, thành thử đến thời điểm hiện tại nhiều giáo viên còn rất mơ hồ.  

Để chuẩn bị cho dạy học tích hợp trong năm học tới, cô Bùi Thị Tâm Giao, giáo viên Hoá trường THCS ở Hà Nội thường xuyên tìm hiểu đọc thêm các kiến thức, khái niệm và bài giảng tham khảo về dạy tích hợp. 

Cô cho rằng, việc tập huấn vài buổi, vài tuần cho giáo viên là chưa đủ, các thầy cô phải tự chủ động tìm hiểu và tự thảo luận tìm ra các hướng tích hợp nội dung sao cho hợp lý. Đến thời điểm này, trường của cô vẫn chưa tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 6 mới nên chưa biết các nội dung trong sách thiết kế cụ thể từng chủ đề như thế nào. Hy vọng sớm các hướng dẫn chi tiết để giáo viên yên tâm chuẩn bị tâm thế đón lứa học sinh lớp 6 "thế hệ mới".

Giáo viên dạy học. (Ảnh: Zing)

Thầy Nguyễn Quốc Ngọc cho biết, theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trong môn tích hợp Khoa học tự nhiên của các lớp 6, 7, 8, 9 đều có ba phần tương ứng với kiến thức thuộc lĩnh vực Vật lý, Sinh học, Hóa học được sắp xếp theo trình tự thời gian chi tiết. Theo đó lớp 6: Hóa học (20%) - Sinh học (38%) - Vật lí (32%). Lớp 7: Hóa học (24%) - Vật lý (28%) - Sinh học (38%). Lớp 8: Hóa học (31%) - Vật lý (28%) - Sinh học (31%). Lớp 9: Vật lý (30%) - Hóa học (31%) - Sinh học (29%).

Như vậy, ở mỗi lớp, các chủ đề thuộc mỗi lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Sinh học do giáo viên có chuyên môn tương ứng phụ trách và được thực hiện gọn trong mỗi năm học.

Thầy băn khoăn, học sinh lớp 6 sẽ học 3 phần gồm Hóa học (20%) - Sinh học (38%) - Vật lí (32%) và phân chia Hóa học sẽ được dạy nửa đầu học kỳ I, Sinh dạy nửa cuối học kỳ I còn môn Lý sẽ được dạy nửa cuối học kỳ II.

Tuy nhiên, Khoa học tự nhiên chỉ có duy nhất một điểm trung bình bộ môn, lại do 3 giáo viên dạy, mỗi giáo viên lại có một sổ điểm đánh giá riêng biệt. Vậy thì có một môn học mà 3 giáo viên dạy, 3 quyển sổ điểm, 3 kế hoạch giảng dạy (giáo án) khác nhau giáo viên nào chịu trách nhiệm cộng điểm của 3 môn cho học sinh, giáo viên nào chịu trách nhiệm đưa điểm lên phần mềm? Giáo viên nào chịu trách nhiệm về chất lượng môn học. Cần làm rõ khâu này để giáo viên thực hiện đúng nhiệm vụ trong quá trình giảng dạy.

Bám sát nội dung tập huấn

Theo phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn - Chủ biên sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên lớp 6 - bộ Cánh Diều, khi làm sách giáo khoa lớp 6, đơn vị xác định xây dựng Khoa học tự nhiên là môn học tích hợp, còn Địa lý và Lịch sử là môn học phối hợp.

Sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên phải đảm bảo vừa hỗ trợ cho giáo viên giảng dạy tích hợp, vừa đổi mới phương pháp giảng dạy trước yêu cầu phù hợp với năng lực học sinh. 

Việc tích hợp sẽ giảm nội dung trùng lặp giữa các môn học Vật lý, Hoá học và Sinh học. Đơn cử, nội dung protit, lipit, gluxit dạy trong kiến thức Hoá học thì sẽ không cần dạy trong kiến thức Sinh học nữa; khái niệm vật chất đã dạy trong nội dụng Hoá học sẽ không cần dạy trong nội dung Vật lý; chủ đề về năng lượng trước đây được dạy riêng trong từng môn nay được tích hợp chung. Mặc dù dạy môn tích hợp, không còn riêng biệt từng môn như trước đây nhưng số lượng công việc của thầy cô không thay đổi. 

Ông cho rằng: “Ở Việt Nam, đây là môn học đầu tiên tích hợp. Để giáo viên có thể dạy được là thách thức rất lớn, cần bám sát nội dung bồi dưỡng, tập huấn. Việc viết sách lần này cũng rất vất vả. Sách được biên soạn với phương châm tinh giản, kế thừa nội dung hiện hành, đạt được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, thiết thực, gắn liền với cuộc sống. Thông qua môn học giúp học sinh khơi nguồn sáng tạo, tư duy rộng hơn trong quá trình học tập”.

Sách giáo khoa lớp 6 mới.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Ninh - đồng chủ biên sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 6 – bộ Cánh Diều cho hay, dù kiến thức ở 2 môn giao nhau nhưng vẫn sẽ đảm bảo tính phân môn nhất định.

Nội dung trong sách Lịch sử và Địa lý các cấp học từ THCS trở lại sẽ có 4 chủ đề gồm: Phát kiến địa lí - đô thị trong lịch sử; Đồng bằng sông Hồng; Đồng bằng sông Cửu Long và chủ quyền biển đảo. 4 chủ đề tích hợp trên được thiết kế từ lớp 7 đến lớp 9, riêng lớp 6 mới chỉ dừng lại ở việc gộp 2 phân môn thành 1, chưa có nhiều sự giao thoa. 

Ông cho rằng, thay đổi sang môn học tích hợp mới đòi hỏi giáo viên, tổ chuyên môn sẽ linh hoạt trong cách sắp xếp nội dung, thời gian giảng dạy.

Đồng thời, việc đào tạo giáo viên thế hệ mới để đáp ứng 2 môn này thì cũng được các trường Sư phạm thực hiện từ năm 2018 trở lại đây bằng việc mở mã ngành mới đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí. Đây là về mặt chiến lược lâu dài và xu hướng chung của phát triển giáo dục toàn diện.

Hà Cường

Tin mới