Theo tín ngưỡng dân gian, Táo quân là người cai quản bếp lửa, nắm rõ mọi chuyện trong nhà và sẽ lên trời vào ngày 23 tháng Chạp để báo cáo với Ngọc hoàng mọi chuyện liên quan đến gia đình trong cả năm.
Để tiễn ông Táo lên trời, các gia đình đều chuẩn bị mâm cỗ cúng chu đáo và đẹp mắt. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn không biết nên đặt mâm lễ cúng ông Công ông Táo ở bếp hay bàn thờ gia tiên mới chuẩn.
Theo quan niệm của một số người, ông Công là thần thổ công, cần được cúng trên bàn thờ chính trong nhà; ông Táo là vị thần trông coi việc bếp núc, vì vậy lễ cúng cần được tiến hành ở dưới bếp.
Ngày xưa, bàn thờ ông Táo thường được đặt trong bếp, cụ thể là bên cạnh hoặc bên trên bếp, vì đây là vị thần cai quản chuyện bếp núc trong mỗi gia đình. Người ta thờ thần bếp với mong muốn giữ cho bếp luôn đỏ lửa, gia đình no ấm, thuận hòa. Mâm cúng Táo quân do đó thường được đặt trong bếp, nơi có ban thờ Táo quân.
Tuy nhiên, trong ngôi nhà hiện đại, thiết kế bếp không tiện cho việc đặt ban thờ, ít gia đình có ban thờ riêng cho ông Táo. Do đó, việc đặt mâm lễ cúng ông Công ông Táo ở bếp hay bàn thờ gia tiên còn tùy thuộc vào tình hình thực tiễn và quan điểm của từng gia đình.
Việc đặt mâm lễ cúng ông Công ông Táo ở bếp hay bàn thờ gia tiên tùy thuộc vào tình hình thực tế và quan điểm của từng gia đình. (Ảnh: Nhung Ngo)
Trên thực tế, không có một tài liệu nào quy định rõ ràng về vị trí đặt mâm lễ cúng ông Công ông Táo bởi có khá nhiều quan điểm khác nhau xoay quanh vấn đề này. Phần lớn mọi người cho rằng, cúng bái luôn là việc yêu cầu sự trang nghiêm nên lễ cúng ông Công ông Táo cũng nên được thực hiện ở nơi trang trọng.
Một số gia đình có bàn thờ ông Táo riêng, mâm cúng sẽ được đặt ở đây. Những gia đình không có ban thờ ông Công ông Táo riêng thì nên thực hiện lễ cúng ở ban thờ thần linh hoặc gia tiên chứ không nên đặt trong nhà bếp.
Mặc dù còn khá nhiều quan niệm khác nhau về việc đặt mâm lễ cúng ông Công ông Táo ở bếp hay bàn thờ gia tiên, bạn cần nhớ rằng điều quan trọng nhất là sự thành tâm.
Lễ vật cúng ông Công ông Táo gồm:
- Mũ ông Công ông Táo (hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà). Mũ dành cho các Táo ông có hai cánh chuồn, mũ Táo bà không có cánh chuồn. Những mũ này có gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những dây kim tuyết màu sắc sặc sỡ. Màu sắc của mũ, áo hay hia ông Công ông Táo thay đổi hàng năm theo ngũ hành.
- Hia ông Táo, một ít vàng mã tượng trưng
- Lễ vật khác: 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, 1 quả bưởi, 1 quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa cúc
- Cá chép để ông Táo cưỡi về trời.
Những đồ vàng mã như mũ, áo, hia... sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Sau đó người ta lập bài vị mới cho Táo công.
Mâm lễ cúng ông Công ông Táo. (Ảnh: Nhung Ngo)
Về mâm cỗ cúng ông Công ông Táo, có thể làm cỗ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng…) hoặc cỗ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc…). Mâm cỗ cúng ông Táo trong truyền thống gồm các món cơ bản như:
- 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối
- 1 con gà trống luộc chéo cánh ngậm hoa tỉa ớt hoặc hoa hồng (có thể thay bằng thịt heo luộc hoặc vịt quay)
- 1 bát canh mọc hoặc canh măng
- 1 đĩa xào thập cẩm
- 1 đĩa giò, chả rán hoặc thịt đông
- 1 đĩa xôi
- 1 đĩa chè kho.
Bạn không nhất thiết phải làm đầy đủ các món trên mà có thể thêm bớt, thay đổi tùy điều kiện thực tế.
>>> Bài cúng Ông Công Ông Táo chuẩn nhất