Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dân phố cổ Hội An sống bất an trong di tích xuống cấp

(VTC News) -

Hàng chục di tích thuộc diện nhà ở xuống cấp, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ đổ sập, đang khiến người dân phố cổ Hội An nơm nớp lo sợ.

Video: Dân phố cổ Hội An sống bất an trong di tích xuống cấp

Vừa ở vừa run

Nhiều năm nay, căn nhà số 23 Tiểu La (phường Minh An, TP Hội An, Quảng Nam) là nơi cư ngụ của gia đình ông Dương Thanh Cường.

Ngôi nhà nằm ngay sát bên hông chợ Hội An sầm uất này thuộc quần thể di tích trong khu phố cổ hàng trăm năm tuổi. Thế nhưng, ít ai biết rằng, ông Cường cùng 5 người thân của mình đang mang tâm thế nơm nớp lo sợ vì di tích đã xuống cấp nghiêm trọng.

Bà Ong chỉ tay lên bức tường bong tróc, rễ cây mọc tua tủa.

Rón rén nhích từng bước nhẹ trên những bậc cầu thang bằng gỗ mục nát để lên căn gác nhỏ, bà Trần Thị Ong (61 tuổi, vợ ông Cường) lộ vẻ lo sợ.

Bà Ong cho biết, căn nhà này được ông bà tổ tiên dựng xây từ cách đây gần 70 năm và xếp vào di tích loại IV. Và sau hàng chục năm hứng chịu thiên tai như bão lũ cùng sự bào mòn của thời gian, căn nhà lâm vào tình trạng hư hỏng nặng.

“Toàn bộ mái ngói âm dương bị bể, lộ ra nhiều khoảng trống. Để che chắn nắng mưa, vợ chồng tôi phải dùng tấm bạt giăng dưới mái ngói trông rất nhếch nhác.

Bốn bức tường xuất hiện vết nứt chằng chịt, có chỗ bong tróc vôi vữa và thấy cả rễ cây mọc tua tủa, đâm thẳng vào tường. Các đòn tay cũng mục nát, chống đỡ trong thế yếu ớt”, bà Ong nói và bày tỏ, với hiện trạng như thế này, ngôi nhà có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào, đe dọa đến tính mạng của vợ chồng bà cùng các con.

Theo ông Cường, năm 2019, gia đình xây lại phần nhà dưới của di tích gồm 1 phòng ngủ, 1 nhà bếp và công trình phục vụ tắm rửa, vệ sinh.

Nhắc đến đây, ông Cường thở dài: “Nhiều năm sống trong cảnh lo sợ, riết rồi ai cũng quen. Thế nhưng, mùa mưa năm ngoái, một nửa ngôi nhà bất ngờ sập hoàn toàn.

Để giải quyết nhu cầu sinh hoạt của gia đình, tôi phải vay 800 triệu đồng xây mới”.

Tường nhà nứt nẻ.

Tuy nhiên, khoảng không gian kiên cố nhưng chật chội trên chỉ đủ cho vợ và các con ngả lưng. Bản thân ông Cường vẫn phải bất chấp hiểm nguy lên căn gác xuống cấp của nhà trên để ngủ nghỉ hằng đêm.

Cùng “số phận” xuống cấp nhưng chưa được tu sửa như nhà ông Cường là di tích số 34 Bạch Đằng. Thậm chí, 10 năm trở lại đây, ngôi nhà ven sông Hoài này không có ai dám vào cư ngụ.

Hàng xóm của chủ di tích này cho biết, trước đây, căn nhà là chỗ tránh nắng che mưa của gia đình ông Võ Đấu. Tuy nhiên, kể từ ngày ông Đấu mất, các con của ông cũng khăn gói rời khỏi di tích.

“Rất lâu rồi, căn nhà đóng cửa im lìm và bỏ không vì sự xuống cấp trầm trọng. Có hôm đang đứng trước hiên nhà mình, tôi nghe tiếng ngói rơi phát ra từ ngôi nhà của ông Đấu”, một người dân sống sát vách di tích hư hỏng nặng cho hay.

Cách di tích số 34 Bạch Đằng không xa là nhà cổ 42 Nguyễn Thái Học của ông Trần Niên Nghị. Cũng giống như 2 di tích trên, ngôi nhà cả trăm năm tuổi này đang lâm cảnh xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Nghị chỉ tay vào một cây đòn tay mục nát.

“Mái ngói hư hỏng, tôi dùng các tấm la phông nhựa ráp lại để chống mưa dột. Nhiều hôm trời mưa to, nước ngập lênh láng khắp nền nhà, thế là cả đêm gia đình thao thức.

Ngoài ra, một số đòn tay cũng đã rệu rã và đang được gia cố bằng các thanh gỗ mang tính tạm bợ”, ông Nghị ngao ngán.

"Bài toán" kinh phí tu bổ

Đề cập đến việc xuống cấp nhưng lại không triển khai tu bổ, chủ di tích số 23 Tiểu La và 42 Nguyễn Thái Học đều tồn tại chung nỗi băn khoăn về kinh phí.

Đơn cử như gia đình ông Dương Thanh Cường, trong 3 năm liên tiếp (từ 2012-2014), vợ chồng ông nhận được lời đề nghị hỗ trợ kinh phí tu bổ di tích của chính quyền địa phương.

Khoản kinh phí tu bổ quá lớn là lý do khiến gia đình ông Cường, ông Nghị đành phải sống trong di tích xuống cấp.

“Theo tính toán, để tu bổ căn nhà trên phải tốn ít nhất 2 tỷ đồng. Trong khi nhà nước hỗ trợ từ 40-60%, còn lại chủ di tích góp thêm.

Với số tiền quá lớn như vậy, gia đình kham không nổi nên mới để di tích xuống cấp trong sự bất lực”, ông Cường buồn bã chia sẻ.

Không riêng gì các trường hợp nêu trên, theo thống kê của Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, trong số hơn 1.000 di tích thuộc diện nhà ở thì có khoảng 35 nhà cổ đang xuống cấp.

Ngày 14/5, trả lời PV VTC News, ông Trần Văn An – Phó giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An – cho biết, với quan điểm là tất cả đều hướng đến mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa, chính quyền thành phố luôn tạo điều kiện hỗ trợ để các chủ di tích thực hiện việc tu bổ theo đúng quy định.

Theo ông An, đối với di tích loại 1, thành phố sẽ hỗ trợ 60% kinh phí tu bổ, thấp nhất (loại 4) là 35%.

Di tích số 34 Bạch Đằng xuống cấp từ nhiều năm nay và không có ai ở.

“Việc triển khai tu bổ di tích, trong đó có nhà ở được các ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Hằng năm, phố cổ Hội An có cả trăm trường hợp chủ di tích tự bỏ tiền túi để sửa chữa, khắc phục hư hỏng nhỏ.

Nếu chủ di tích khó khăn thì làm đơn gửi UBND phường xác nhận, sau đó chúng tôi sẽ cử cán bộ đi thẩm định và báo cáo cấp trên hỗ trợ kinh phí tu bổ”, ông An thông tin thêm.

THANH BA

Tin mới