Trên lo xuống cấp, dưới ngại ô nhiễm
Theo hồ sơ tư liệu, Chùa Cầu được người Nhật dựng xây ở phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) vào đầu thế kỷ 17. Trải qua 4 thế kỷ cùng sự biến thiên của tạo hóa, Chùa Cầu vẫn là biểu tượng đặc trưng của đô thị cổ nằm vắt mình bên dòng sông Hoài thơ mộng.
Tuy nhiên, trước sự bào mòn của thời gian cùng tác động của con người lẫn thiên tai, di tích hàng trăm năm tuổi này đang xuống cấp từng ngày.
Chùa Cầu đang "kêu cứu" vì xuống cấp nghiêm trọng.
Mới đây, Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An thực hiện cuộc khảo sát di tích đặc biệt nằm trong quần thể kiến trúc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Hiện trạng cho thấy, ở phần thân cầu, tại nhiều vị trí liên kết giữa đòn tay đỡ mái với các cột bị mục. Nhiều thanh xà gỗ đỡ mái ngói bị nứt nẻ, cong vênh không thể khớp nối nhau. Các phần mố trụ đỡ xuất hiện nhiều vết nứt, bong tróc vôi vữa.
Kết cấu phần trên (thượng bộ) gồm phần cầu và miếu đang có độ tách rời nhỏ khoảng 10cm, riêng phần mái nhiều chỗ đã bị dột nước mưa thấm xuống làm ảnh hưởng đến các cấu kiện bằng gỗ của công trình.
Ở một số vị trí, nước mưa thấm vào phần mối nối khiến gỗ bị ăn mòn, mục, loang rộng, nằm vênh ra. Trên tường vôi, không ít vị trí bị ố đen, vữa nứt loang lổ.
Mặt cầu được làm bằng gỗ, do thường xuyên tiếp xúc giày dép của người qua lại nên bị mài mòn nghiêm trọng. Hệ thống chịu lực chính, quan trọng như móng, mố, trụ cũng đã bộc lộ sự xuống cấp thấy rõ.
Đặc biệt, những tác động từ bên ngoài như dòng chảy của nước và bão, lụt cùng tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng lớn đến di tích.
Trong khi phía trên đang xuống cấp trầm trọng thì phía dưới của di tích – nơi con kênh chảy xuyên qua chân Chùa Cầu đang tái diễn tình trạng ô nhiễm từng khiến du khách ngao ngán.
Những ngày vừa qua, nước dưới kênh Chùa Cầu đục ngầu, bốc mùi hôi khó chịu.
Trước đó, tháng 11/2018, trạm xử lý nước thải Chùa Cầu thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình cải thiện chất lượng nước với công nghệ xử lý nước thải hiện đại tại khu vực Chùa Cầu chính thức được đưa vào vận hành với công suất 3.000-5.000 m3/ngày đêm. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1,2 tỷ Yên Nhật, trong đó chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại 1,1 tỷ yên Nhật (khoảng 228 tỷ đồng), còn lại do TP Hội An đối ứng.
Công trình áp dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến năng lượng thấp, không chỉ cải thiện môi trường nước khu vực mà còn đảm bảo chất lượng nước thải đầu ra đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra kênh Chùa Cầu. Từ đó, góp phần cải thiện cảnh quan môi trường, nâng cao giá trị di tích và xử lý nước sinh hoạt cho hơn 1.000 hộ gia đình ở các xã, phường: Thanh Hà, Cẩm Hà, Tân An, Cẩm Phô và Minh An.
Tuy nhiên, kênh nước chảy dưới chân di tích hàng trăm năm tuổi này chỉ hết mùi hôi được vài tháng. Hiện, khu vực này lại tái diễn tình trạng ô nhiễm khiến du khách phải nín thở mỗi khi qua đây.
Đặc biệt, những ngày nắng nóng cao điểm vừa qua, dòng nước dưới chân Chùa Cầu lại chuyển sang màu đục ngầu kèm theo đó là mùi hôi không tài nào chịu thấu.
“Đau đầu” tìm giải pháp trùng tu
Trước nỗi lo “2 trong 1” đang tồn tại ở Chùa Cầu, chính quyền địa phương vẫn đang “đau đầu” tìm giải pháp trùng tu di tích, đồng thời khẩn trương xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm.
Đối với “bài toán” trùng tu, được biết, vào năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo khoa học “Trùng tu Chùa Cầu - Quan điểm và giải pháp” nhằm tìm kiếm giải pháp tu bổ Chùa Cầu trước nguy cơ di tích ngày càng xuống cấp. Tại đây, các nhà khoa học trong nước và quốc tế kiến nghị cần gấp rút thực hiện dự án trùng tu di tích này.
Tuy nhiên, gần 3 năm, việc tu bổ di tích Chùa Cầu vẫn “giậm chân tại chỗ”, loay hoay chưa biết đến khi nào mới triển khai.
Việc gia cố tạm được thực hiện tại các vị trí dưới đáy thân Chùa Cầu.
Giải thích về việc này, ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam cho biết, dự án Tu bổ, tôn tạo di tích Lai Viễn Kiều được chia làm nhiều hạng mục nhỏ, trong đó đơn vị làm chủ đầu tư 3 nội dung gồm: Nền đường, vỉa hè và hồ điều hòa; điện chiếu sáng tổng thể; cấp nước và xử lý môi trường. Các hạng mục đã triển khai trước đây có 3 nội dung với 3 gói thầu riêng, hiện đã hoàn tất xong hồ sơ quyết toán hạng mục cấp nước và xử lý môi trường, các hạng mục còn lại chưa quyết toán xong.
Trong khi chờ phương án tối ưu để thực hiện đại trùng tu Chùa Cầu thì biện pháp khả dĩ được TP Hội An đưa ra là chống đỡ một cách tạm bợ.
Theo đó, đầu tháng 5 vừa qua, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An tăng cường cán bộ, nhân viên tham gia công tác chống đỡ khẩn cấp tại Chùa Cầu. Việc gia cố tạm được thực hiện tại các vị trí dưới đáy thân Chùa Chầu, kê giá gỗ chống đỡ để tránh nguy cơ đổ sập di tích có giá trị vô cùng to lớn này.
Đối với vấn đề tái ô nhiễm tại Chùa Cầu, ngày 30/5, trả lời PV VTC News, ông Nguyễn Văn Sơn (Phó Chủ tịch UBND TP Hội An) khẳng định, kể từ ngày đưa vào vận hành, trạm xử lý nước thải Chùa Cầu hoạt động tốt.
Ông Sơn khẳng định, vấn đề ô nhiễm tại khu vực Chùa Cầu sẽ được xử lý dứt điểm.
Theo ông Sơn, nguyên nhân khiến nguồn nước dưới chân di tích này bị ô nhiễm trở lại là do vỡ đường ống của trạm bơm dẫn về xã Cẩm Thanh nên phải bơm nước thải ra Chùa Cầu để xử lý.
“Đơn vị thi công đã khắc phục xong xuôi sự cố này. Ngoài ra, nước kênh hiện tại có màu đục ngầu vì một ít nước thải ở đường Phan Châu Trinh (phía sau trạm xử lý) vẫn chảy ra khu vực di tích, ảnh hưởng đến nguồn nước con kênh.
Thành phố đang lên kế hoạch thu gom hết lượng nước thải này để chuyển vào nhà máy xử lý nhằm giải quyết triệt để ô nhiễm”, ông Sơn nói.
Trung bình mỗi ngày, Chùa Cầu đón hơn 4.000 lượt khách tham quan, lúc cao điểm như lễ hội, con số này tăng lên rất cao khiến công trình chịu tải lớn.
Trước sự xuống cấp ngày một nghiêm trọng của Chùa Cầu, chính quyền TP Hội An đang tăng cường giám sát lượng khách tham quan di tích 400 năm tuổi này.
UBND TP Hội An vừa đề nghị Trung tâm Văn hóa thể thao-Truyền thanh Truyền hình (đơn vị phụ trách việc bán vé, tham quan khu phố cổ Hội An) cần tăng cường giám sát việc thực hiện quy định số lượng khách tham quan tại di tích Chùa Cầu (tối đa là 20 khách/lượt). Đồng thời thông báo đến các đơn vị lữ hành, du khách để cùng phối hợp trong quá trình tham quan tại di tích.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, việc điều tiết, hạn chế lượng khách tham quan mỗi lượt tại di tích Chùa Cầu như hiện nay cũng chỉ là biện pháp tạm thời trong khi chờ giải pháp tối ưu cũng như đánh giá toàn diện của các nhà khoa học trong nước và quốc tế về việc trùng tu, bảo vệ Chùa Cầu.
Dự kiến, cuối năm 2019, UBND tỉnh Quảng Nam và TP Hội An sẽ tổ chức hội thảo lần cuối để nhận diện các nguy cơ cũng như xác định phương thức trùng tu Chùa Cầu.