Ngày 9/2, theo cáo phó của gia đình Đại tá Bùi Văn Tùng (nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đội Nhân dân Việt Nam), ông đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình (TP.HCM) lúc 3h30 cùng ngày (nhằm ngày 19 tháng Giêng năm Qúy Mão), hưởng thọ 94 tuổi.
Chính ủy Bùi Văn Tùng (bên trái), Lữ đoàn xe tăng 203 thuộc Quân đoàn 2 tại sân Dinh Độc Lập, Sài Gòn trưa 30/4/1975. (Ảnh tư liệu)
Theo gia đình, vì tuổi cao, Đại tá Bùi Văn Tùng đã không còn nói được từ khoảng 1 năm nay. Vài tháng trước, sức khỏe ông suy yếu, được gia đình tận tình chăm sóc và cầm cự đến nay.
Linh cữu của Đại tá quàn tại 162 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM).
Lễ nhập quan lúc 12h ngày 9/2. Lễ động quan vào lúc 6h15 ngày 12/2. Sau đó được đưa đi hỏa táng tại Nghĩa trang Phúc An Viên (TP Thủ Đức). Gia đình xin miễn chấp điếu.
Đại tá Bùi Văn Tùng sinh năm 1930 tại Đà Nẵng. Tháng 4/1975, ông mang hàm Trung tá, là Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 thuộc Quân đoàn 2 và đã trực tiếp chứng kiến những diễn biến trong ngày lịch sử 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập và Đài Phát thanh Sài Gòn.
Tháng 3/2022, Thường vụ Quân ủy Trung ương có kết luận số 974-KL/QUTW, nêu rõ: Thời điểm trưa 30/4/1975, sau khi trực tiếp chỉ huy việc áp giải Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn, tại đây, đại úy Phạm Xuân Thệ (phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 66) cùng các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tổ chức soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh.
Văn bản đang được soạn thảo thì trung tá Bùi Văn Tùng (chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2) có mặt và từ đó cùng bộ phận cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh lời tuyên bố đầu hàng cho ông Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên Đài phát thanh. Riêng lời tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh do ông Tùng soạn thảo và trực tiếp đọc trên đài phát thanh.
Ông được trao Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.