Sau tiếng chuông báo hết tiết học vang lên, Trần Mỹ Duyên (19 tuổi, quê Bình Thuận, hiện là sinh viên trường Đại học Công Nghiệp TP.HCM) tự tin bước ra khỏi lớp, nói chuyện rôm rả với vài người bạn khác lớp. Cô không còn thu mình, ngại ngùng như trước đây.
Năm lên 6 tuổi, trán của Duyên xuất hiện những đốm trắng nhỏ. Càng lớn, vết loang càng rộng, Duyên được gia đình đưa đi khám nhiều nơi nhưng không ra bệnh. Trở về nhà, những người xung quanh nói Duyên bị lang ben, ai mách ở đâu có thuốc chữa hay, ba mẹ đều cất công tìm mua nhưng kết quả không cải thiện.
Năm lên 6 tuổi, trên trán của Duyên xuất hiện những đốm trắng nhỏ. (Ảnh: NVCC)
Lên 8 tuổi, Duyên được mẹ đưa đến bệnh viện da liễu khám, bác sĩ chẩn đoán con bị bệnh bạch biến, không điều trị được. “Lúc đó em và gia đình buồn, suy sụp rất nhiều”, Duyên nhớ lại.
Đi học Duyên bị bạn bè trêu chọc, đặt cho biệt danh khó nghe như “mặt bao công”. Họ còn không thôi bàn tán, chỉ trỏ suốt quãng đường từ trường về nhà.
“Khi đến chỗ đông đúc, mọi người nhìn chằm chằm vào vết bạch biến trên trán khiến em rất khó chịu và tự ti. Lúc nào em cũng tự hỏi không biết bản thân làm gì sai để phải nhận lại những sự chế giễu như vậy”, cô gái nói.
Để giấu đi khiếm khuyết trên khuôn mặt, Duyên luôn phải để tóc mái loè xoè trước trán. Những lúc vô tình cơn gió làm bay mái tóc, cô lại nhanh chóng lấy tay điều chỉnh vì sợ người khác nhìn thấy vết loang.
Dù bác sĩ nói vết bạch biến không thể cải thiện, nhưng Duyên và gia đình vẫn chưa bao giờ thôi hy vọng về "phép màu". Tháng 5/2024, Duyên biết đến Hội Bạch biến Việt Nam - tổ chức chuyên kết nối, giao lưu giữa cộng đồng người bệnh bạch biến tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Lấy hết can đảm, Duyên nhắn tin cho người đứng đầu tổ chức này, và nhanh chóng nhận được sự hỗ trợ từ các thành viên trong ban quản trị hội.
Hình ảnh của Mỹ Duyên được trưng bày tại triển lãm kỷ niệm ngày Bạch biến thế giới tổ chức ngày 22/6 tại đường sách TP.HCM. (Ảnh: NVCC)
Ngày 4/5, Duyên đến gặp bác sĩ để đánh giá tình trạng bệnh. Bác sĩ quyết định áp dụng phác đồ ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy kết hợp điều trị bằng ánh sáng trị liệu cho bệnh nhân. Theo bác sĩ, đây là phương pháp có thể cho hiệu quả lâu dài.
Trong phòng phẫu thuật, sau khi đo kích thước tổn thương, bác sĩ lấy da ở mặt trước đùi bệnh nhân theo tỷ lệ phù hợp với diện tích mảng bạch biến, rồi đưa vào dung dịch, tách lấy tế bào thượng bì, nuôi dưỡng, đếm tế bào và ghép vào mảng da bị bạch biến. Sau ghép, vùng da này được cố định lại bằng băng gạc.
Tái khám sau một tuần, Duyên được tháo băng, chiếu tia cực tím để tăng hiệu quả phẫu thuật. Bác sĩ cho biết, phần da được ghép tế bào tự thân đang đáp ứng tốt.
Hơn một tháng sau ghép, Duyên bất ngờ khi thấy tình trạng da tiến triển tích cực, sắc tố da phục hồi gần 70%. Trong 6 đến 12 tháng tới, Duyên kỳ vọng có thể phục hồi 100% mảng da bạch biến lâu năm.
Duyên như có cuộc đời mới từ khi khuôn mặt không còn hằn nhiều dấu vết của bệnh bạch biến. Cô tự tin gặp gỡ, giao lưu cùng mọi người và tiếp tục thực hiện những ước mơ của bản thân.
Bạch biến là một loại bệnh da thường gặp, trong đó các tế bào sắc tố ở da bị tổn thương và phá hủy dẫn tới sự thay đổi màu sắc da. Bệnh biểu hiện là những dát giảm hoặc mất sắc tố so với vùng da xung quanh, giới hạn rõ, không có vảy và không ngứa. Theo một nghiên cứu, 75% bệnh nhân bạch biến bị ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và cần được điều trị.
Tỷ lệ mắc bệnh bạch biến được ước tính 1% dân số thế giới, còn Việt Nam chưa có thống kê chính thức. Nguyên nhân chính xác của bệnh bạch biến và một số bệnh da giảm sắc tố hiện nay chưa được biết rõ. Tuy nhiên nhiều yếu tố gây bệnh như gia đình, tự miễn, virus, hóa chất, stress, chấn thương... Bệnh xuất hiện cả trẻ em và người lớn, thường gặp ở người trẻ tuổi.