Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cúng ông Công ông Táo thời điểm nào thích hợp?

(VTC News) -

Theo dân gian, lễ cúng Táo quân sẽ được thực hiện vào ngày 23 tháng Chạp, tuy nhiên nhiều người thắc mắc cúng ông Công, ông Táo trước ngày 23 có được không?

Theo tín ngưỡng cổ truyền Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hàng năm là ngày ông Công ông Táo (còn gọi là Táo quân) cưỡi cá chép vàng lên trời báo cáo với Ngọc hoàng tất cả những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian.

Chính vì thế, để mong cầu thần Bếp báo cáo những lời hay, ý đẹp với Ngọc hoàng thì hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp, mỗi gia đình đều chuẩn bị lễ cúng Táo quân long trọng, tiễn Táo về trời.

Cúng ông Công ông Táo vào thời điểm nào?

Không nên cúng ông Công ông Táo quá sớm, tuyệt đối tránh cúng vào đúng ngày rằm tháng Chạp; nên cúng sớm nhất là từ ngày 20 tháng Chạp (tức 20 tháng 12 dương lịch) đến 23 tháng Chạp.

Cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp là phong tục truyền thống của người Việt. 

Năm nay, Tết ông Công ông Táo vào thứ Bảy ngày 14/1/2023. Theo phong tục cổ truyền, lễ cúng ông Công ông Táo thường được cúng vào giờ Ngọ (11h-13h) ngày 23 tháng Chạp. Đây được coi là giờ linh thiêng, thích hợp nhất để cúng ông Công, ông Táo.

Ngày nay, do những yếu tố khách quan như công việc, học tập nên không phải nhà nào cũng có thể cúng Táo quân đúng ngày mà thường sẽ cúng trước. Vậy cúng Táo quân trước ngày 23 có được không?

Theo các chuyên gia văn hóa, lễ cúng ông Công ông Táo có thể thực hiện vào nhiều thời điểm khác nhau, có thể cúng trước hay sau 12h ngày 23 tháng Chạp hoặc trước khoảng 1 - 2 ngày, tùy thuộc vào điều kiện mỗi gia đình. Điều quan trọng nhất là lòng thành của gia chủ chứ không phải làm cho có lệ.

Tuy nhiên, không nên cúng muộn hơn 23h ngày 23 tháng Chạp. Bởi mỗi năm chỉ có một ngày Ngọc Hoàng nghe các Táo báo cáo, do đó Táo quân cần phải lên thiên đình đúng giờ để kịp vào chầu. Nếu Táo nào lên thiên đình sớm thì phải chờ đến ngày thiết triều và táo nào lên muộn thì không tham gia được. Chính vì thế, các gia đình không nên cúng sau ngày 23.

Lễ vật cúng ông Công ông Táo

Để Táo quân về trời báo cáo với Ngọc Hoàng chuyện hạ giới được đủ đầy, mỗi gia đình cần chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo thật chu đáo và đẹp mắt. Thông thường, mâm cỗ cúng truyền thống bao gồm rất nhiều món, bao giờ cũng có các món ăn và lễ vật.

  • Mũ ông Công ông Táo ba cỗ hay ba chiếc (hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà). Mũ dành cho các Táo ông có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Những mũ này có gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những dây kim tuyết màu sắc sặc sỡ. Màu sắc của mũ, áo hay hia ông Công ông Táo thay đổi hàng năm theo ngũ hành.
  • Hia ông Táo, một ít vàng mã tượng trưng.
  • Mâm cỗ mặn gồm: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, 5 lạng thịt vai luộc, 1 bát canh mọc, 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa giò, 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa chè kho.
  • Lễ vật khác: 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, 1 quả bưởi, 1 quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 lọ hoa cúc.
  • Cá chép

Các gia đình có thể tùy điều kiện, hoàn cảnh để soạn mâm cỗ cúng ông Công ông Táo, không nhất thiết phải cầu kỳ nhiều món, miễn là lòng thành.

Lưu ý khi cúng ông Công ông Táo

Nhiều người quan niệm, ông Công là thần thổ công, vị thần cai quản đất đai trong nhà, cần được cúng trên bàn thờ chính trong nhà, còn ông Táo trông coi việc bếp núc nên sẽ được cúng ở dưới bếp. Nếu gia chủ có ban thờ Táo quân ở dưới bếp thì có thể đặt mâm lễ cúng ở đây, song vẫn cần có 1 mâm lễ nữa ở ban thờ chính, bởi theo quan niệm dân gian thì ông Công là thần Thổ công, cai quản đất đai trong nhà. Cúng ông Công ông Táo thì phải chú ý điều này.

Ngoài ra, xét theo ý nghĩa tâm linh thì việc cúng lễ phải được thực hiện ở nơi sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong nhà. Bếp là nơi đun nấu, dù có lau dọn sạch sẽ đến mấy thì cũng vẫn là không gian sinh hoạt chung, không đủ trang nghiêm.

Ban thờ chính của gia đình là nơi thờ phụng các vị thần linh, đặt mâm lễ cúng ở đây mới thể hiện lòng thành kính của gia chủ với các vị thần linh.

Thả cá chép đúng cách trong lễ cúng ông Công ông Táo.

Việc cúng lễ trong ngày 23 tháng Chạp không đòi hỏi quá cầu kỳ nhưng phải tươm tất. Tùy điều kiện và hoàn cảnh của mỗi gia đình để chuẩn bị lễ chay hoặc mặn. Tuy nhiên, có một số loại thịt cần kiêng không đem cúng như các món làm từ vịt, chim, ngỗng, trâu, dê, chó...

Những lễ vật dùng để cúng ông Táo như mũ, áo, giày, giấy tiền vàng mã sẽ được hóa sau khi nửa tuần hương cháy hết. Khi hóa vàng xong và hương đã cháy hết, gia đình sẽ mang cá chép ra sông hoặc hồ để thả.

Sau khi cúng lễ và thả cá chép, nên chọn địa điểm phù hợp, nhẹ nhàng thả cá. Tuyệt đối không đứng ở thành cầu hay các điểm trên cao ném cá xuống làm cá có thể không sống được.

Ngoài ra cần lưu ý người trực tiếp thực hiện nghi lễ cúng ông Công ông Táo phải giữ thân thanh sạch. Khi hành lễ ăn mặc chỉn chu, gọn gàng kín đáo không mặc quần đùi, áo ba lỗ, váy ngắn…

Trong lúc khấn cúng phải giữ tâm thái hoan hỉ vui vẻ để tạo ra năng lượng tích cực trong thờ cúng và tâm linh.

Hạ Vy (Tổng hợp)

Tin mới