Hôm 26/5, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, nước này ghi nhận 4.157 người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua. Một ngày trước đó, người chết tại nước này bất ngờ giảm mạnh dưới 4.00 trường hợp. Tính từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Ấn Độ có tổng số 311.388 người chết.
Trong khi đó, số ca nhiễm nCoV mới tiếp tục tăng. Trong 24 giờ qua, quốc gia Nam Á này báo cáo có thêm 208.921 trường hợp mắc COVID-19 mới. Đến nay, Ấn Độ vẫn là ổ dịch lớn thứ hai thế giới - sau Mỹ, tổng số ca mắc lên 27.157.795 người.
Ấn Độ ghi nhận trên 4.000 người chết do COVID-19 trong 24 giờ qua. (Ảnh: PTI)
Thời gian gần đây, các ca mắc và chết do COVID-19 ở Ấn Độ giảm. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, nước này vẫn có thể phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ ba trong những tháng tới. Nhiều bang ở Ấn Độ không đủ khả năng tiêm chủng do thiếu nguồn cung vaccine.
Ấn Độ liên tục kêu gọi người dân tiêm vaccine phòng ngừa sớm nhất có thể trong nỗ lực ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới. Bắt đầu từ 1/5, chương trình tiêm chủng tại Ấn Độ đã mở rộng cho công dân trên 18 tuổi.
Trong khi đó, Thái Lan lập kỷ lục số người chết vì COVID-19 mới trong ngày. Theo đó, hôm 26/5, Bộ Y tế Thái Lan cho biết, nước này ghi nhận 41 trường hợp thiệt mạng do COVID-19. Đến nay, quốc gia Đông Nam Á này có tổng cộng 873 người chết vì nhiễm nCoV.
Thái Lan cũng báo cáo thêm 2.455 trường hợp nhiễm mới trong ngày. Trong số này, có 1.976 ca nhiễm bệnh trong cộng đồng, 479 ca được ghi nhận tại các trại tù.
Tính từ khi làn sóng COVID-19 tấn công Thái Lan hồi đầu tháng 4, Thái Lan ghi nhận thêm 779 người chết và 109.031 ca nhiễm bệnh. Thái Lan hiện là một trong những ổ dịch lớn nhất tại Đông Nam Á, với tổng số 137.894 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã được ghi nhận.
Trước tình hình dịch bệnh hoành hành, hôm 21/5, Thái Lan mở rộng tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm hai tháng - đến hết tháng 7. Quyết định này cho phép Chính phủ Thái Lan áp đặt các biện pháp ứng phó mạnh tay trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Thái Lan lần đầu ban hành sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vào tháng 3 năm ngoái. Sắc lệnh này đã được gia hạn nhiều lần sau đó, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, lan rộng tại quốc gia Đông Nam Á này.