Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Công nhân chia từng gói mì tôm, cõng nhau vượt rừng thoát khỏi Rào Trăng 3

(VTC News) -

Những công nhân may mắn thoát khỏi 'lưỡi hái tử thần' ở thuỷ điện Rào Trăng 3 vẫn chưa thể quên hình ảnh của vụ sạt lở kinh hoàng ở thuỷ điện Rào Trăng 3.

Cuộc tháo chạy kinh hoàng

Anh Hồ Văn Thoàn (27 tuổi, trú Đắkrông, Quảng Trị) đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bình Điền (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nhưng vẫn còn ám ảnh về vụ sạt lở đất kinh hoàng tại khu nhà điều hành dự án nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 3 rạng sáng 12/10 và cuộc tháo chạy khỏi "lưỡi hái tử thần" của nhóm công nhân may mắn không bị đất đá vùi lấp.

Theo lời kể của anh Thoàn, rạng sáng 12/10, anh cùng 6 công nhân khác đang ngủ tại lán trại thì nghe một tiếng nổ lớn, sau đó một lượng lớn bùn, đất và đá đổ ập xuống, san phẳng cả lán trại. Liên tiếp sau đó, lũ chồng thêm lũ, đất đá tiếp tục cuốn bay tất cả.

Cảnh sạt lở kinh hoàng ở thuỷ điện Rào Trăng 3.

Trong cơn hoảng loạn cực độ, anh Thoàn chỉ biết thét lớn: "Anh em đâu cả rồi". Thế nhưng, giữa đêm khuya, chỉ nghe vài tiếng cầu cứu yếu ớt rồi tắt dần giữa tứ bề bùn đất nhão nhẹt. Trong bóng đêm mù mịt, anh Thoàn cố gắng mò mẫm tìm kiếm được 6 người đồng nghiệp rồi nhanh chóng cùng nhau chạy lên khu vực cao hơn để trú ẩn.

"Sau trận lũ quét kinh hoàng, tất cả mọi người trong lán trại đều bị trầy xước, quần áo rách tươm. Có người nước lũ cuốn xa lán trại hàng chục mét. Khung cảnh lúc đó rất hoang tàn, đất, đá, cây cối nằm ngổn ngang, la liệt khắp nơi. Cố lấy hết bình tĩnh, chúng tôi đi bộ hàng chục km đường rừng từ khu vực sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 để đến thủy điện Rào Trăng 4 cầu cứu và khi đến nơi trú ẩn thì trời sáng hắn", anh Thoàn thất thần kể.

Là một trong số những người trở về từ vụ sạt lở kinh hoàng tại thuỷ điện Rào Trăng 3, anh Hồ Văn Diêu (26 tuổi, trú Quảng Trị) cho biết, sau khi 7 công nhân tập hợp cùng nhau, anh Diêu và anh Thoàn cõng thêm một người chạy lên khu vực núi cao, nơi không có sạt lở.

Lực lượng chức năng tiếp cận và triển khai các biện pháp tìm kiếm những công nhân mất tích sau vụ sạt lở ở thuỷ điện Rào Trăng 3.

"Trên đường di chuyển, chúng tôi may mắn tiếp cận được một chiếc ô tô của thủy điện liền di chuyển về hướng Rào Trăng 4. Đoàn đi được một đoạn, vì đường sạt lở nên mọi người đành di chuyển bằng ghe. Mãi đến 10 giờ sáng 13/10, chúng tôi mới tiếp cận được thủy điện Rào Trăng 4 và được đoàn cứu hộ bên ngoài cứu thoát", anh Diêu kể.

Ông Nguyễn Đình Minh (63 tuổi, quê Quảng Trị) cũng là một trong những người may mắn thoát chết ở thuỷ điện Rào Trăng 3. Dù bị thương khá nặng và mệt mỏi nhưng ông Minh vẫn không thể quên khung cảnh ở thuỷ điện rạng sáng 12/10. 

Theo lời ông Minh, sau khi thoát chết sau vụ sạt lở, ông bị thương khắp người trời lại mưa lạnh căm căm. Một người bạn khác của ông là anh Hồ Văn Triều (25 tuổi) bị bong gân, gần không thể đi lại sau vụ sạt lở.

Lúc ấy, cả hai người cứ nghĩ mình sẽ chết nhưng may mắn thay, ông Minh và anh Triều được những công nhân trong nhóm của Thoàn giúp đỡ và thay nhau cõng 2 người này băng qua đồi núi để chạy khỏi nơi sạt lở. Trong suốt hành trình của mình, mọi người may mắn nhặt được vài gói mì tôm nên chia nhau cầm đói.

Ôm cháu nội mới sinh, đỏ mắt chờ tin con

Sáng 15/10, PV VTC News có mặt tại khu vực đối diện Bệnh viện Đa khoa Bình Điền (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) - nơi một số nạn nhân bị thương trong vụ sạt lở ở Thuỷ điện Rào Trăng 3 đang nằm điều trị. Nhiều người dân cũng túc trực tại đây để ngóng thông tin về người thân đang mất tích.

Tại đây, không ai cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh người đàn ông trung niên vừa ôm đứa cháu nội mới sinh vừa nuốt nước mắt vào trong chờ tin con trai mất liên lạc với gia đình suốt nhiều ngày qua.

Được biết, con trai ông là anh T.V.L (25 tuổi, quê Đắk Nông). Người nhà cho biết, anh L. quê Đắk Nông nhưng lấy vợ ở Quảng Trị. Anh mới đi làm công nhân ở Nhà máy Thuỷ điện Rào Trăng 3 được hơn 1 năm. Vợ chồng anh L. sinh được 2 con, cháu lớn hơn 2 tuổi, cháu út mới sinh khoảng 2 tháng.

Bố của công nhân L. ôm cháu nội khoảng 2 tháng tuổi, đỏ mắt chờ tin con trai mất tích ở Rào Trăng 3.

Mẹ vợ của nạn nhân L. cho hay, khu vực mà anh L. làm việc sóng điện thoại chập chờn nên thi thoảng anh L. mới gọi được điện thoại về nhà. Lần gần nhất anh L. gọi điện cho gia đình là ngày 9/10 để hỏi thăm tình hình mưa lũ ở nhà, rồi mất liên lạc từ đó đến nay.

Câu chuyện giữa PV và gia đình anh L. bị ngắt quãng khi bố anh nhận được cuộc gọi báo gia đình đến một bệnh viện ở TP Huế để nhận diện thi thể nạn nhân vừa được đưa ra khỏi vụ sạt lở Thuỷ điện Rào Trăng 3. Họ tức tốc lên chiếc xe ô tô 7 chỗ để trở về TP Huế với tâm trạng hoang mang, rối bời.

Nói chuyện với chúng tôi qua điện thoại, anh Lê Thành Vũ (quê Quảng Ngãi) cũng là một trong số những công nhân thoát khỏi sự cố sạt lở đất kinh hoàng ở dự án thủy điện Rào Trăng 3 vừa được lực lượng chức năng dùng ca nô đưa khỏi nơi lánh nạn là thủy điện Rào Trăng 4.

Theo lời kể của anh Vũ, anh ở lán dưới cách khu nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 (nơi bị sạt lở) khoảng 1km. Khoảng 20 - 21h ngày 11/10 có khoảng 20 người từ khu vực nhà điều hành xuống khu vực lán của anh Vũ để ở. Đến nửa đêm 11, rạng sáng 12/10 thì xảy ra sạt lở và cuốn văng toàn bộ nhà điều hành xuống suối.

Thời điểm khu vực xảy ra sạt lở tại khu nhà điều hành còn khoảng hơn 20 người nhưng có một số người thoát nạn và chỉ còn 17 người bị vùi lấp. Anh Vũ cho biết thêm, hiện trong số 17 công nhân bị vùi lấp, lực lượng chức năng tìm được một thi thể và đưa lên ca nô về bằng đường thủy.

16 công nhân có thể dưới lòng hồ thuỷ điện Rào Trăng 3

Trưa 15/10, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn - Thứ trưởng Bộ Công an có mặt tại Sở Chỉ huy tiền phương (đóng tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) để trực tiếp chỉ đạo, triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn 16 công nhân đang mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3.

Tại buổi làm việc, Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện hồ thủy điện Rào Trăng 3 mới hoàn thành 70%, chưa tích nước, chưa được đưa vào hoạt động.

Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế được giao trách nhiệm tìm kiếm 17 công nhân thủy điện bị mất tích, hiện tìm thấy 1 thi thể được đưa ra hôm 14/10.

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn phát biểu chỉ đạo các phương án cứu hộ, cứu nạn 16 công nhân còn mất tích trong vụ sạt lở ở thuỷ điện Rào Trăng 3.

Tuy nhiên, mưa lớn nhiều ngày khiến đường lên thủy điện có rất nhiều điểm sạt lở, công tác cứu hộ gặp khó khăn. Lực lượng chức năng phải đưa máy móc để mở đường.

Sau khi nghe báo cáo, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn cho biết, khả năng cao miền Trung sắp phải đón một cơn bão đổ bộ. Vì vậy, ông Sơn yêu cầu lực lượng cứu hộ khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân mất liên lạc tại thủy điện Rào Trăng 3.

Thứ trưởng Bộ Công an nhận định, khả năng cao các công nhân mất tích đang ở dưới lòng hồ và yêu cầu Bộ Tư lệnh CSCĐ, Cục CSGT và Cục Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn, Bộ Công an cùng các đơn vị tăng cường lực lượng phối hợp với Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức tốt công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân.

Dự báo ngày 16/10 trên địa bàn Thừa Thiên - Huế sẽ có mưa lớn nên việc tổ chức tìm kiếm sẽ hết sức khó khăn. Do đó, các lực lượng, đơn vị phải tập trung mọi nguồn lực để thông đường lên thủy điện Rào Trăng 3”, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn yêu cầu.

Video: Người dân góp thực phẩm, nấu cơm tiếp sức lực lượng cứu hộ ở Rào Trăng 3

Sáng 14/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra thông báo chính thức về vụ việc liên quan đến thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) và đoàn công tác đi cứu hộ, cứu nạn.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, sau khi nhận được tin báo của người dân vào lúc 12h ngày 12/10 về sự cố sạt lở tại nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức đi kiểm tra, khảo sát để xác minh, kiểm tra thông tin và có phương án cứu hộ cứu nạn kịp thời, đoàn có 21 người.

Tối 12/10, trên đường di chuyển đến hiện trường, đoàn tạm nghỉ tại Trạm quản lý bảo vệ rừng 67. Vào lúc 00h00 ngày 13/10, sự cố sạt lở xảy ra tại khu vực đoàn đang tạm nghỉ, có 8 người thoát ra khỏi khu vực sạt lở, 13 người mất tích, chưa liên lạc được.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, thông tin nhận được lúc 5h ngày 13/10, sự cố sạt lở tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 làm 17 công nhân mất tích. Tổng cộng 30 người mất tích, trong đó có 17 công nhân tại nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 và 13 người trong đoàn đi cứu hộ, cứu nạn. Sau khi xảy sự cố, các lực lượng chức năng nhanh chóng mở nhiều hướng tiếp cận hiện trường.

Tối 15/10, trả lời PV VTC News lãnh đạo Quân khu IV xác nhận lực lượng chức năng tìm thầy toàn bộ 13 thi thể cán bộ, chiến sĩ gặp nạn khi trên đường vào cứu nạn ở thuỷ điện Rào Trăng 3. Ghi nhận đến 21h40 chiếc xe cấp cứu chở thi thể cán bộ, chiến sĩ cuối cùng trong vụ sạt lở nói trên về đến Bệnh viện Quân y 268.

NGUYỄN VƯƠNG

Tin mới