Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Công an tìm nhà đầu tư mua cổ phiếu bị nhóm ông Trịnh Văn Quyết 'thổi giá'

(VTC News) -

Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị các nhà đầu tư mua cổ phiếu "họ” FLC từ 1/12/2021 đến 10/1/2022 liên hệ với Phòng 4/C01 (Bộ Công an) trước 15/6 để giải quyết.

Ngày 21/4, Cơ quan CSĐT (C01, Bộ Công an) ra thông báo tìm nhà đầu tư bị thiệt hại do hành vi thao túng chứng khoán của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết gây ra.

Để phục vụ yêu cầu điều tra, Bộ Công an đề nghị các nhà đầu tư này liên hệ với Phòng 4 C01 trước ngày 15/6, qua số điện thoại trực ban: 069.2345860 hoặc địa chỉ số 47 Phạm Văn Đồng (Hà Nội).

Theo cơ quan điều tra, bị hại của vụ án là những nhà đầu tư chứng khoán đã mua cổ phiếu “họ” nhà FLC từ 1/12/2021 đến 10/1/2022. Trong giai đoạn trên, cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo hai em gái là Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế cùng một số người khác sử dụng các tài khoản đã mở để mua bán chứng khoán, thực hiện hành vi thao túng thị trường. Mục đích của nhóm này là đẩy giá cổ phiếu FLC lên giá trần cao nhất, từ 15.500 đồng lên 24.050 đồng, tức là tăng 64%.

Công an khám xét tại tòa nhà FLC Cầu Giấy hôm 29/3. (Ảnh: Đắc Huy).

Sau đó, ngày 10/1/2022, nhóm bị can này đã đặt bán 76.769.900 triệu cổ phiếu FLC và khớp lệnh 74,8 triệu cổ phiếu FLC giá trung bình 22.586/cổ phiếu nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch, với số tiền gần 1.700 tỉ đồng (chiếm 55,42% khối lượng khớp toàn thị trường trường, chiếm 10,54% tổng khối lượng lưu hành cổ phiếu FLC).

Hành vi trên làm cho giá cổ phiếu FLC giảm sàn trong 8 phiên giao dịch liên tiếp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư khi mua 60,1 triệu cổ phiếu FLC trên sàn chứng khoán ngày 10/1, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sau đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) hủy giao dịch bán cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết.

Đến nay, C01 đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 người trong vụ án này gồm: ông Trịnh Văn Quyết; Trịnh Thị Minh Huế, nguyên nhân viên kế toán tổng hợp Công ty CP Tập đoàn FLC; Hương Trần Kiều Dung, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán BOS kiêm phó chủ tịch thường trực Công ty CP Tập đoàn FLC; Trịnh Thị Thúy Nga, nguyên thành viên HĐQT kiêm phó tổng giám đốc và Nguyễn Quỳnh Anh, nguyên tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán BOS.

Theo cơ quan điều tra, từ ngày 1/12/2021 đến ngày 10/1, ông Quyết đã chỉ đạo các cá nhân điều hành Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để liên tục mua, bán chứng khoán với tần suất cao, tạo ra cung cầu giả.

Khi giá được đẩy lên giá "trần", ông Quyết chỉ đạo người thân đặt lệnh, nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán. Tổng số tiền ông Quyết thu về sau khi bán chui cổ phiếu là 1.689 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính hơn 530 tỷ đồng, nhà chức trách cáo buộc.

Sau những sai phạm trên, ngày 31/3, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhiệm kỳ 2015 - 2020 có nhiều vi phạm trong quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán để một số cá nhân thao túng thị trường.

Đắc Huy

Tin mới