Ngành ngân hàng Việt Nam đang ngày càng lộ nhiều điểm sáng. Dù chưa báo cáo tài chính quý 4/2019 của đơn vị nào được công bố nhưng nhiều ngân hàng như Vietcombank, BIDV…đã hé lộ kết quả kinh doanh với nhiều đột biến, với những khoản lợi nhuận cao nhất lịch sử.
Chính vì vậy, thị giá cổ phiếu VABANK của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietA Bank) lại khiến nhiều người bất ngờ. Trong những ngày đầu năm 2020, giá chào bán và chào mua VABANK chỉ phổ biến ở mức…2.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn tới 80% so với mệnh giá.
Giá chào bán và chào mua VABANK chỉ phổ biến ở mức… 2.000 đồng/cổ phiếu. (Ảnh: VietA Bank)
Điều đáng nói, hồi tháng 8/2019, thị giá của VABANK vẫn phổ biến ở mức 3.500 đồng/cổ phiếu. Như vậy, chỉ sau chưa đầy nửa năm, thị giá VABANK đã giảm 1.500 đồng/cổ phiếu, tương đương 43%.
Vì vậy, dù hiện tại, trên thị trường OTC có rất nhiều cổ phiếu ngân hàng có thị giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu như ABBANK của Ngân hàng TMCP An Bình (9.000 đồng/cổ phiếu), MSBANK của Ngân hàng TMCP Hàng Hải (9.800 đồng/cổ phiếu),… thì VABANK vẫn đứng ở vị trí quán quân về… thị giá thấp.
Nhà đầu tư không mặn mà với cổ phiếu này vì hoạt động của VietA Bank có nhiều vấn đề phải bàn. Trong quý 3/2019, VietA Bank đã có bước tăng trưởng mạnh về lợi nhuận nhưng kết quả này có được chủ yếu đến từ việc “chỉnh” lại số liệu hoạt động.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý 3/2019 của VietA Bank đạt con số rất khiêm tốn, chỉ 72,4 tỷ đồng. Dù khiêm tốn nhưng chỉ tiêu này vẫn tăng 46,5 tỷ đồng, tương đương 180% so với quý 3/2018, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 137,4 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 122,9 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018.
Lợi nhuận tăng mạnh dù thu nhập lãi thuần giảm đáng kể. Thu nhập lãi trong quý 3/2019 của VietA Bank chỉ đạt 337 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 368 tỷ đồng của quý 3/2018. Hoạt động dịch vụ và hoạt động kinh doanh ngoại hối đều khiến VietA Bank thua lỗ nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm từ 223 tỷ đồng xuống chỉ còn 196 tỷ đồng.
Sở dĩ VietA Bank đạt được tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận cao là do ngân hàng mạnh tay cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Trong quý 3, chi phí này giảm từ 195,4 tỷ đồng xuống chỉ còn 125,9 tỷ đồng. Có thể thấy, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại VietA Bank còn cao vượt trội so với lợi nhuận.
Dù VietA Bank không công bố báo cáo tài chính quý 3/2019 với đầy đủ các thông tin, trong đó có thuyết minh báo cáo tài chính nhưng dựa vào chi phí dự phòng rủi ro tín tụng, có thể dự báo, nợ xấu tại ngân hàng này là con số không hề nhỏ.