Thói quen ăn uống của mọi người không giống nhau. Có người ăn rất ít nhưng cũng có người ăn tới mức no căng để tránh lãng phí thực phẩm.
Thói quen ăn quá nhiều trong thời gian dài có thể dẫn đến béo phì và nhiều bệnh lý khác. Thế nhưng liệu có phải ăn càng ít thì càng sống lâu như nhiều người vẫn tin tưởng? Thế nào là ăn đúng cách để sống khỏe, trường thọ?
Theo Family Doctor, trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã thí nghiệm trên 800 con chuột, được chia thành 2 nhóm: Nhóm 1 ăn với khẩu phần hạn chế, nhóm 2 ăn uống thoải mái theo ý thích.
Kết quả cho thấy những con chuột trưởng thành ăn ít hơn 40% so với những con được cho ăn thoải mái có tuổi thọ cao hơn và khỏe mạnh hơn khi về già. Nhưng khi chúng (những con chuột ăn ít) được đổi sang chế độ ăn tự do theo ý thích, tỷ lệ tử vong sớm lại tăng lên.
Nói cách khác, phải giảm lượng thức ăn một cách lâu dài, bền vững mới có lợi ích sức khỏe. Nếu những con chuột ăn tự do thoải mái khi còn trẻ và hạn chế khẩu phần ăn khi về già thì hiệu quả cũng không như mong đợi.
Có phải càng ăn ít càng sống lâu? Việc kiểm soát lượng thức ăn trong thời gian dài đem lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ (Ảnh: Getty Images)
Đối với con người, tuổi tác lớn dần thì khả năng tiêu hóa và hấp thụ của cơ thể cũng sẽ dần kém đi, khả năng trao đổi chất của các cơ quan và mô trong cơ thể cũng giảm sút, do đó lượng thức ăn tiêu thụ cũng cần phải thay đổi.
Hơn nữa, khẩu phần ăn của người cao tuổi càng thanh đạm càng tốt. Chỉ có ăn nhạt, giảm lượng đường và chất béo thì mới có thể bảo đảm được sức khỏe luôn ổn định. Việc ăn nhiều hay ăn ít đều có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe, chúng ta cần phải căn cứ vào độ tuổi và thể chất mới có thể xây dựng một kế hoạch ăn uống hợp lý.
Vậy có phải ăn càng ít thì sống càng lâu? Ăn ít tốt cho sức khỏe, nhưng không có nghĩa là càng ít càng tốt. Chúng ta cần ăn đủ lượng và chất, chế độ ăn cân bằng thì mới có thể cung cấp đủ năng lượng và dinh dưỡng cho các hoạt động sống, duy trì cơ thể ở trạng thái khỏe mạnh. Ăn quá ít, cơ thể sẽ thiếu dinh dưỡng và suy kiệt, rút ngắn tuổi thọ.
Nếu hiểu ăn ít là ăn uống có kiểm soát về lượng, ăn vừa đủ nhu cầu thực sự của cơ thể thay vì thỏa mãn sở thích thì liệu tuổi thọ có tăng lên? Hiện khoa học chỉ mới có thể khẳng định việc kiểm soát, hạn chế đồ ăn trong thời gian dài làm giảm các dấu hiệu lão hóa ở con người và cải thiện thể chất. Còn để khẳng định nó giúp chúng ta kéo dài tuổi thọ hay không, cần có thêm thời gian và các nghiên cứu để chứng minh.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là ăn quá nhiều sẽ hại sức khỏe và giảm thọ. Việc kiểm soát ăn uống sẽ giúp giảm nguy cơ chết sớm do các bệnh tim mạch, chuyển hóa.
Nhiều người cho rằng, ăn ít là chỉ ăn một lượng nhỏ trong mỗi bữa. Nhưng tình trạng này kéo dài có thể gây suy dinh dưỡng.
Cơ thể luôn cần một lượng calo và các chất dinh dưỡng cần thiết cho các hoạt động và duy trì sự khỏe mạnh. Vì vậy, cần tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế lượng calo đưa vào mà vẫn đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.
Dưới đây là một số thực phẩm giàu calo mà ít dinh dưỡng, nên hạn chế:
Để sống khỏe và sống thọ hơn hãy tham khảo một thực đơn lành mạnh phù hợp với mình (Ảnh: Getty Images)
Với người ăn 3 bữa một ngày, bữa sáng cần chú ý cân bằng dinh dưỡng, không chỉ bổ sung ngũ cốc nguyên hạt mà còn cả thịt gà, cá, thịt, trứng và các sản phẩm từ sữa giàu protein chất lượng cao, bổ sung trái cây giàu chất xơ và vitamin.
Bữa trưa chiếm nhiều calo nhất trong ngày nên hãy ăn nhiều hơn một chút. Ngoài thực phẩm chủ yếu, nên bổ sung trái cây hay các loại hạt.
Bữa tối là thời điểm nên ăn ít lại, no khoảng 70% là đủ. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng cho đường tiêu hóa, giúp bạn ngủ ngon hơn.
Hãy nhớ rằng bữa tối nên nhẹ nhàng nhất có thể, không nên ăn quá nhiều cá hoặc thịt, đồ ăn nhiều dầu mỡ vì sẽ khiến dạ dày bạn bị quá tải.