Chiều 13/6, sau 2 ngày xét xử công khai, HĐXX phúc thẩm vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ" đối với bị cáo Lê Thị Dung - nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã tuyên án.
Căn cứ vào kết quả xét hỏi, tranh tụng công khai tại phiên tòa và các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm định, hội đồng xét xử (HĐXX) cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An và kháng cáo của bị cáo Lê Thị Dung - 52 tuổi, nguyên giám đốc trung tâm.
HĐXX nhận định tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Dung mức án 5 năm tù là quá nghiêm khắc, chưa xem xét hết các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo là thiếu sót, cần rút kinh nghiệm.
Theo đó, HĐXX đã tuyên bị cáo Lê Thị Dung 15 tháng tù giam, tính từ ngày tạm giam (28/3/2022). Như vậy bị cáo Dung chỉ còn bị giam 15 ngày.
Nói lời nói sau cùng, bị cáo Lê Thị Dung mong rằng hội đồng xét xử xem xét một cách công tâm, khách quan.
"Đối với một số giáo viên khác, tôi tin chắc rằng họ không có ý kiến dù họ biết đúng, biết sai. Họ rất thương, chia sẻ với tôi nhưng không dám lên tiếng vì họ đang công tác. Về lý do quy chế chi tiêu nội bộ được xây dựng bằng tiết học chứ không phải bằng tiền. Việc trung tâm dựng quy chế chi tiêu nội bộ bằng tiết là đối với giáo viên, để bù đủ những nhiệm vụ giáo viên đã làm", bị cáo Dung buồn bã nói.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm
Như VTC News đã đưa tin, trong các ngày 7,10,11,17 và 24/4/2023, TAND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã xét xử sơ thẩm đối với bà Lê Thị Dung, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ".
Theo cáo trạng, trong quá trình công tác, bà Lê Thị Dung đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 44,7 triệu đồng.
Sau nhiều ngày xét xử, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Lê Thị Dung 5 năm tù. Ngoài ra, HĐXX cũng yêu cầu truy thu số tiền hơn 44,7 triệu đồng từ bị cáo Dung để trả lại cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên.
Sau khi tòa tuyên án, bà Dung đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An cũng đã có quyết định kháng nghị phúc thẩm đề nghị Toà án nhân dân tỉnh xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An cũng đề nghị bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập, tuân thủ theo pháp luật. Xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm phải đúng quy định pháp luật, đúng người, đúng tội, chặt chẽ, đảm bảo công bằng, khách quan, thấu tình đạt lý, tạo được sự đồng thuận trong xã hội.