Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Xét xử cô Lê Thị Dung: Luật sư đề nghị trả tự do

(VTC News) -

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Thị Dung đã đưa ra những căn cứ quan trọng, đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm, tuyên cô Dung vô tội.

Sáng nay (13/6), phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Lê Thị Dung, nguyên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên (Nghệ An).

Tại phiên tòa sáng nay, 6 luật sư tham gia bào chữa cho cô Lê Thị Dung đã đưa ra những chứng cứ, tài liệu chứng minh quá trình điều tra, xét xử của tòa sơ thẩm có sai phạm, vi phạm tố tụng hình sự. 

Luật sư Trần Đăng Phúc (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, theo hồ sơ, ngày 26/3/2022 Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên có quyết định số 20 khởi tố vụ án "lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên. Cùng ngày 26/3/2022, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên cũng có quyết định khởi tố bị can số 43 khởi tố bị can Lê Thị Dung. Ngày 28/3/2022, Viện kiểm sát nhân dân huyện Hưng Nguyên mới có quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can Lê Thị Dung. 

Trong các tài liệu liên quan đến hồ sơ bản án thì ghi là Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bị can Lê Thị Dung là quyết định số 43. Điều tra viên của vụ án có mặt tại phiên tòa phúc thẩm giải thích là do có sự nhầm lẫn khi đánh máy giữa số 42 và số 43, chứ thực tế là quyết định khởi tố, bắt tạm giam bị can là quyết định số 42.

Tuy nhiên, luật sư cho rằng trong hơn 8.000 bút lục của hồ sơ vụ án không có quyết định khởi tố bị can số 42 ngày 26/3/2022 mà Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên khởi tố cô Lê Thị Dung. Đến sáng nay tại phiên tòa, phía luật sư đề nghị HĐXX và các bên cung cấp nhưng không cung cấp được. 

Ngoài ra, luật sư cho rằng việc cơ quan điều tra thu giữ tài liệu bản gốc hồ sơ kế toán của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên để điều tra là trái quy định pháp luật.

Toàn cảnh phiên tòa phúc thẩm

Luật sư Vũ Quang Ninh (Đoàn luật sư Quảng Ninh) bào chữa cho cô Lê Thị Dung cũng nêu rõ, UBND huyện Hưng Nguyên là cơ quan chủ quản cấp trên về tài chính của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên. Còn Sở Giáo dục - Đào tạo và Sở Lao động, Thương binh, xã hội tỉnh Nghệ An chỉ là cơ quan phụ trách chuyên môn của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, do đó trung tâm khi ban hành quy chế chi tiêu nội bộ không phải gửi cho 2 sở này. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm cho rằng bị cáo Dung đã vi phạm khi không gửi báo cáo chi tiêu nội bộ cho Sở GD-ĐT Nghệ An.

Ngoài ra, tòa sơ thẩm cho rằng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên hoạt động giống như cơ sở giáo dục phổ thông nên việc quy định về quy định chế độ làm việc phải áp dụng theo Thông tư 28, về cái này luật sư khẳng định là sai quy định pháp luật

Về việc án sơ thẩm cho rằng bị cáo Dung đã lập chứng từ khống, thanh toán trùng lặp 2 lần... Tuy nhiên, luật sư khẳng định tòa sơ thẩm lại không đưa ra được chứng cứ để chứng minh cô Dung đã lập khống, chi trùng lặp 2 lần. 

Vì vậy các luật sư đề nghị HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm, tuyên cô Lê Thị Dung vô tội, từ đó đình chỉ điều tra vụ án.

Các luật sư cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của Phòng Tài chính kế hoạch, Kho bạc Nhà nước, UBND huyện Hưng Nguyên trong việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động tài chính kế toán của trung tâm để đảm bảo tính khách quan, công bằng.

Viện Kiểm sát đề nghị hủy án sơ thẩm, điều tra lại

Cũng trong sáng nay,  trình bày quan điểm tại tòa, đại diện VKSND nhận định, trong kết luận điều tra số 62 của cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên, kết luận từ năm 2011 – 2017, bị cáo Lê Thị Dung đã tự kê khai thanh toán một số khoản sai quy định với tổng số tiền hơn 103 triệu đồng.

Ngoài ra, bị cáo Dung trực tiếp ký duyệt, đồng ý cho các cán bộ, giáo viên khác thanh toán tiền thừa giờ không có trong quy định với tổng số tiền hơn 175 triệu đồng. Các khoản tiền nêu trên qua giám định tài chính đều xác định thiệt hại cho ngân sách của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên.

Tuy nhiên, tại phần kết luận và kiến nghị lại xác định hành vi lợi dụng chức vụ và quyền hạn được giao, bị cáo Lê Thị Dung – Giám đốc trung tâm đã nhiều lần, trong đó có 2 lần, mỗi lần trên 10 triệu đồng của các năm học 2014 – 2015, 2015 – 2016. Bị cáo Lê Thị Dung đã chiếm đoạt nguồn ngân sách nhà nước cấp cho trung tâm với tổng số tiền hơn 48 triệu đồng.

Hành vi “lợi dụng chức vụ và quyền hạn” của bị cáo Hương đã nhiều lần giúp sức cho bị cáo Lê Thị Dung, trong đó có 2 lần, mỗi lần trên 10 triệu đồng. Như vậy, quá trình điều tra chưa xác định rõ được trách nhiệm đầy đủ của bị cáo Lê Thị Dung, Nguyễn Thị Hương và những người liên quan khác đối với số tiền đã chi cho bị cáo Dung là hơn 103 triệu đồng, chi cho các giáo viên khác là hơn 175 triệu đồng.

Riêng đối với khoản tiền trên 48 triệu đồng nằm trong tổng số tiền hơn 103 triệu đồng, cáo trạng của VKS kết luận bị cáo Dung chiếm đoạt, vi phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” là không đáp ứng cấu thành của Điều 356, Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên là trường thuộc hạng 5, theo Thông tư số 48 của Bộ GD&ĐT. Theo quyết định của UBND huyện Hưng Nguyên, Trung tâm là loại hình đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên và thực hiện chế độ tự chủ.

Qua đó, đại diện VKSND tỉnh cho rằng, quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cấp sơ thẩm chưa làm rõ được nội dung việc đi học cao học, tập huấn, việc kiểm tra trong ngày làm việc bình thường, trực hè, bí thư chi bộ bồi dưỡng cho giáo viên, tuyển sinh… Từ các nội dung trên, đại diện VSKND tỉnh Nghệ An nhận định, cấp sơ thẩm chưa làm rõ được các nội dung cần thiết để bảo đảm việc xét xử, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án một cách toàn diện, triệt để nên đề nghị hội đồng xét xử hủy án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên để trả hồ sơ, điều tra và xét xử lại.

TRẦN LỘC

Tin mới