Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cô giáo chỉ cách giúp trò không chán nản khi học online

Sau mỗi giờ dạy, nếu thấy học sinh chưa hào hứng, Lương Thị Ngọc Linh, giáo viên môn Kỹ năng sống sẽ chỉnh sửa nội dung bài giảng và cách truyền đạt.

Những ngày cuối tháng 7, Ngọc Linh, 23 tuổi, giáo viên trường Tiểu học Lômônôxốp, Nam Từ Liêm, Hà Nội, dành nhiều thời gian để soạn giáo án dạy online. Đầu tháng 8, Linh cùng các thầy cô giáo trong tổ chuyên môn tiến hành dạy thử trong 2 tuần trước thềm năm học mới.

Lương Thị Thùy Linh cho rằng cần soạn bài giảng phù hợp với tình hình dịch bệnh và việc học online của học sinh. (Ảnh: NVCC)

Xây dựng bài giảng phù hợp 

Việc đầu tiên của Linh và các giáo viên là lên kế hoạch dạy các chủ đề phù hợp với tình hình dịch bệnh và việc học của học sinh.

“Ví dụ, học online sẽ khiến mắt của các con phải làm việc nhiều, nên tôi sẽ dạy bìa học về hướng dẫn cách bảo vệ, rèn luyện và thực phẩm tốt cho mắt", cô giáo trẻ chia sẻ.

Ngày 16/8, Linh bắt đầu tiết dạy online đầu tiên. Mỗi tuần, cô giáo trẻ có 16 tiết dạy chia đều cho 8 lớp 1 và 8 lớp 2. Mỗi tiết học kéo dài 40 phút.

Một tiết học Kỹ năng sống thường được xây dựng theo 4 phần: Khởi động, khám phá, thực hành, tổng kết. Học sinh sẽ được tham gia một số trò chơi để dẫn dắt vào bài học, sau đó được tìm hiểu các kiến thức mới rồi thực hành với chủ đề được học.

Cuối buổi học, giáo viên cùng cả lớp tổng kết những nội dung đã học để học sinh ghi nhớ bài tốt hơn.

Dùng nhiều phương pháp 

Mỗi khối có 6 lớp thường và hai lớp song ngữ. Lớp thường có khoảng 32-35 học sinh, lớp song ngữ khoảng 25 bạn. Ngọc Linh chia sẻ, cô gặp nhiều khó khăn khi dạy online, vì vừa dạy vừa phải để ý học sinh có tập trung hay không, nhiều bạn chưa thạo bật tắt mic...

Để khắc phục những khó khăn trên, Ngọc Linh sẽ nhắc học sinh: "Bạn nào còn đang bật mic ấy nhỉ? Học sinh sẽ để ý và tắt. Nếu các bạn chưa tắt thì mình sẽ chủ động nói cô sẽ tắt mic giúp con nhé". Thêm vào đó, cô giáo trẻ đưa ra quy tắc trong lớp học và luôn nhắc lại cho học sinh.

Ngoài ra, Ngọc Linh còn dùng phương pháp khen thưởng, động viên, mời các thành viên trong lớp đều tham gia trả lời để giúp học sinh tập trung và có động lực theo dõi bài hơn.

Cụ thể, Linh sẽ tích sao cho cho những bạn phát biểu và hẹn khi đến trường sẽ tặng quà cho những bạn học tốt. Cô giáo trẻ tâm sự: “Sau mỗi buổi học, nếu thấy các con chưa tập trung thì mình sẽ thay đổi nội dung bài học và cách truyền đạt để các con dễ tiếp cận. Có những lần mình rất tâm đắc nhưng lúc áp dụng lại không được như tưởng tượng”.

Linh nhận thấy phương pháp tích sao để khen thưởng có nhược điểm là học sinh dễ ganh đua để được phát biểu. Cô giáo trẻ bổ sung quy tắc: “Bạn nào ngồi đẹp thì cô mới gọi. Bạn nào trả lời đúng mà không nghiêm túc cô sẽ trừ sao”.

Cô giáo trẻ chia sẻ: "Trẻ sẽ rất dễ mất tập trung nếu bài giảng online không đủ hấp dẫn nên mình thường xây dựng nhiều trò chơi liên quan đến chủ đề bài học để tạo hứng thú cho học sinh".

Ngoài ra, Linh còn dùng những video với hình ảnh hình ảnh sinh động, âm điệu vui tươi và có độ dài dưới 3 phút để kích thích sự tập trung từ học sinh. Linh sẽ tự làm trong trường hợp không tìm được video minh họa. Nội dung bài học cũng được cô giáo trẻ trau chuốt sao cho ngắn gọn và súc tích.

Cô giáo trẻ khuyên, cha mẹ nên hỗ trợ con lúc vào học online. Những buổi đầu, phụ huynh có thể ngồi cạnh con nhưng dần dần tạo không gian riêng để các con tập trung, thỉnh thoảng nên quan sát và nhắc nhở trẻ.

Phụ huynh cần xây dựng cho con môi trường học yên tĩnh, tránh xa các cám dỗ như đồ ăn, đồ chơi, tivi, tiếng ồn. Ngoài ra, cha mẹ nên nhắc con ngủ đủ giấc để có tinh thần học tập tỉnh táo, động viên khuyến khích khi trẻ học tốt, không nên chê bai, mắng mỏ lúc bé học chưa tốt.

Sau mỗi giờ học, phụ huynh nên cùng con thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng để trẻ thư giãn.

Nguồn: Zing News

Tin mới