Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Làm sao để học sinh lớp 1 thích nghi với việc học online?

(VTC News) -

Phụ huynh cần đồng hành cùng giáo viên để giúp học sinh lớp 1 vượt qua những khó khăn ở giai đoạn này.

Năm học mới cận kề, nhiều tỉnh, thành trên cả nước phải giãn cách xã hội chống COVID-19. Các trường buộc phải tổ chức dạy online để việc học không bị gián đoạn. Nhưng việc khiến cả giáo viên và phụ huynh lo ngại hơn cả là học sinh mới vào lớp 1 phải học theo phương thức này. 

Nhiều khó khăn với học sinh lớp 1

Thứ nhất, về tâm lý, học sinh vừa chia tay bạn bè, cô giáo ở bậc mầm non, chưa làm quen với giáo viên chủ nhiệm mới ở lớp 1 nên rất bỡ ngỡ. Các em cần thời gian để làm quen bạn bè, cô giáo qua lớp học online và dần thích nghi.

Thứ hai, bậc mầm non, học sinh chủ yếu được dạy múa, hát, nghe kể chuyện, tập tô màu và tham gia một số hoạt động trải nghiệm khác. Hầu hết trẻ chưa được học chữ, làm toán khiến các em gặp nhiều khó khăn khi học online.

Thứ ba, trẻ chưa biết sử dụng những tính năng của điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop. Để học online, ít nhất học sinh phải biết các kỹ năng cơ bản khi tham gia lớp học, đó là bật tắt micro, không viết, vẽ bậy lên màn hình, không ồn ào mất trật tự khi giáo viên giảng bài.

Thứ tư, để kết nối các thiết bị học tập, học sinh không thể tự thao tác một mình mà cần sự trợ giúp của người lớn, nhưng không phải lúc nào phụ huynh cũng có thể làm thay con. Nếu để các em tự làm một mình cũng rất nguy hiểm khi tiếp xúc với nguồn điện.

Thứ năm, học sinh lớp 1 chưa quen với kỷ luật trường, lớp ở bậc tiểu học. Các em có thể làm việc riêng, thiếu tập trung, nói chuyện khi nhìn thấy bạn bè mới, cô giáo mới. Chưa kể, tiết học ở bậc tiểu học kéo dài 35 phút, nếu học 2-3 môn liên tiếp, học sinh rất khó chú tâm trong thời gian dài như vậy.

Thứ sáu, tâm lý học sinh 6 tuổi ít nghe lời cha mẹ hơn là cô giáo. Chị hàng xóm của tôi có con trai chuẩn bị lên lớp 1, hàng ngày chị dạy cháu tập viết nhưng em rất nhõng nhẻo, khó nghe lời. Chị bảo con tập viết chỉ 1 trang giấy nhưng có khi cả buổi sáng em viết chưa xong, mẹ con cứ loay hoay mãi rồi dẫn đến la mắng.

Nhiều phụ huynh lo trẻ lớp 1 không thể biết đọc, biết viết khi học online. (Ảnh: Kinhtedothi)

Giải pháp nào cho học sinh lớp 1?

Tôi cho rằng, những tỉnh, thành ít bị tác động của dịch bệnh, nhà trường có thể lùi khai giảng từ 1-3 tháng và kéo dài thời gian học hè. Tôi quan niệm, học sinh lớp 1 chỉ cần đọc thông viết thạo, biết giữ vệ sinh sạch sẽ, chăm ngoan là đạt yêu cầu.

Như thế, việc học chữ, làm các bài toán đơn giản sẽ do phụ huynh kèm cặp. Ông bà, cha mẹ, anh chị hay người thân hoàn toàn có thể dạy học sinh lớp 1 những kỹ năng đó, không hề khó khăn. Đến khi dịch bệnh đi qua, học sinh trở lại trường thì giáo viên sẽ giúp các em hoàn thành những kiến thức khác.

Còn nhớ, năm 1945 khi Việt Nam giành được độc lập, 95% dân số nước ta mù chữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị mở chiến dịch “Chống nạn mù chữ”, vì “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Để phục vụ chiến dịch xóa nạn mù chữ, Nha bình dân học vụ được thành lập ngày 8/9/1945, khoá huấn luyện giáo viên Bình dân học vụ đầu tiên mang tên Hồ Chí Minh mở tại Hà Nội. Theo sách Việt Nam chống nạn thất học, NXB Giáo dục năm 1980, chỉ sau một năm hoạt động Bình dân học vụ (08/09/1945 đến 08/09/1946) đã có 2.520.678 người thoát nạn mù chữ (dân số lúc đó là 22 triệu người). Như thế để thấy rằng, việc học của học sinh lớp 1 là tương đối dễ dàng, phụ huynh không nên lo lắng quá.

Riêng những tỉnh thành bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như một số tỉnh phía Nam thì cần duy trì hình thức học online với học sinh lớp 1. Bởi dịch bệnh chưa biết kéo dài bao lâu, học sinh có thể phải học online hết học kì 1 của năm học này.

Học online cũng là cách giúp học sinh không bị gián đoạn việc học, đảm bảo kỷ luật học tập của nhà trường, các em không sao nhãng việc học.

Khó khăn nhất hiện nay là học sinh thiếu sách giáo khoa. Tuy vậy, giáo viên hoàn toàn có thể khắc phục bằng cách scan bài học gửi cho học sinh hay sử dụng sách giáo khoa điện tử. Bài giảng bằng phần mềm powerPoint rất bắt mắt, sinh động, học sinh sẽ hứng thú hơn khi học online.

Bất cập nhất của giờ học online là giáo viên hạn chế tương tác với học sinh, còn các em thì phải liên tục nhìn vào màn hình trong thời gian dài. Vậy nên nhà trường cần giảm thời gian tiết học từ 35 phút xuống 25 phút, bố trí tối đa 2 tiết liên tiếp, mỗi buổi học không quá 3 tiết là phù hợp nhất.

Quan trọng nhất giáo viên giúp học sinh, phụ huynh một số kỹ năng sư phạm như tư thế ngồi học, cách cầm bút, cách viết, đọc chữ, phương pháp làm toán… Như thế, nhà trường cần chú trọng dạy 3 môn cơ bản Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ, nếu học nhiều môn, học sinh khó kham nổi.

Cùng với đó, giáo viên cần xây dựng những clip ngắn tầm 5-10 phút hướng dẫn cho học sinh một số kỹ năng học tập cơ bản, các em có thể xem ở những thời điểm thích hợp trong ngày. Giáo viên cần bỏ qua thành tích, tạo hào hứng cho trẻ khi học tập đó mới là phương pháp có ý nghĩa nhất.

Nhìn chung, học sinh lớp 1 gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại khi học online bởi đặc thù tâm lý lứa tuổi và những hạn chế khác. Giáo viên giỏi và nhiệt tình đến đâu chăng nữa nhưng thiếu sự đồng hành của phụ huynh thì việc học online cũng khó tiến triển. Vậy nên, phụ huynh chỉ cần hợp tác với giáo viên, giúp con em biết đọc, biết viết đã là thành công.

Phan Thế Hoài (giáo viên)

Tin mới