Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện về sỹ quan công an 'khắc tinh của giới buôn lậu vàng'

Hai trong số các vụ án gây rúng động là vụ xuất lậu hơn 80 lượng vàng sang Hàn Quốc, vụ nhập lậu vàng qua đường hàng không lớn nhất từ trước tới nay.

Ít ai biết rằng, người thầm lặng phá những chuyên án đó lại là một cán bộ công an còn rất trẻ. Đó là Đại úy Nguyễn Trường Tiến (sinh năm 1989) - cán bộ Đội Điều tra phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn lậu, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an thành phố Hà Nội. Đại úy Tiến có dáng người thư sinh và gương mặt trẻ so với tuổi, càng trẻ hơn so với bề dày thành tích mà anh gặt hái được. Sắp tới đây, anh là một trong số những chiến sĩ trẻ được xét Giải thưởng Thanh niên công an tiêu biểu giai đoạn 2017- 2021 của Đoàn Thanh niên Bộ Công an.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc công an TP Hà Nội trao thưởng cho Đại úy Nguyễn Trường Tiến, một trong 60 gương điển hình tiên tiến của lực lượng cảnh sát Công an thủ đô, tháng 7/2022

Những chiến công “vàng”

Tiến “vàng”, “Tiến nhỏ làm án to” là những biệt danh mà đồng đội thường gọi anh. Những chiến công “vàng” mà Đại úy Nguyễn Trường Tiến lập được đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bởi, đó là những chuyên án liên quan đến tội phạm buôn lậu vàng và đều là những chuyên án lớn mang tính dấu mốc, chặt đứt nhiều đường dây buôn lậu lớn.

Chuyên án được điều tra, khám phá năm 2017 mang tính dấu mốc vì đã chặn đứng một phương thức, thủ đoạn buôn lậu hoàn toàn mới chưa từng được biết tới từ trước đến thời điểm đó tại địa bàn Hà Nội. Đây cũng là vụ án buôn lậu vàng trang sức có số lượng tang vật thu giữ lớn nhất từ trước đến nay. Thời điểm lãnh chuyên án, Đại úy Nguyễn Trường Tiến mới 28 tuổi.

Từ tháng 9/2016, qua công tác nắm tình hình, Đại úy Tiến phát hiện một đường dây tội phạm do Lê Thị Ngọc Mai (sinh năm 1973) cầm đầu, có dấu hiệu buôn lậu vàng trang sức từ Hong Kong (Trung Quốc) về Việt Nam. Mai từng là tiếp viên hàng không của hãng Vietnam Airlines. Sau khi nghỉ làm tiếp viên, Mai trở nên giàu có và có tiếng trong giới buôn vàng. Khi theo dõi hệ thống quản lý xuất nhập cảnh, anh Tiến nhận thấy nhóm đối tượng do Mai cầm đầu thường từ Việt Nam đi Thái Lan và quá cảnh tại Hong Kong trước khi về Việt Nam. Nhưng, bộ phận hải quan chỉ có thông tin các đối tượng xuất nhập cảnh ở chặng Thái Lan - Việt Nam mà không có dữ liệu các đối tượng đi và về ở chặng nối Thái Lan - Hong Kong. Đại úy Tiến nhiều lần vạch kế hoạch theo sát đối tượng để nắm bắt quy luật, bóc tách thủ đoạn hoạt động của đường dây hết sức tinh vi này.

Trải qua gần một năm kiên trì theo dõi di biến động của tội phạm, Đại úy Tiến và đồng đội nhận thấy Mai hoạt động lâu năm trong nghề nên rất thận trọng, chỉ sử dụng anh em họ hàng theo quy trình khép kín. Vàng vẫn được tuồn về Việt Nam mà không đi qua hải quan, mặc dù cơ quan hải quan soi chiếu rất kĩ. Anh đã xâu chuỗi các manh mối, suy luận và đi đến kết luận các đối tượng chỉ có thể giấu trong người. Làm cách này, khi nhập cảnh vào Việt Nam sẽ qua mắt được lực lượng an ninh và hải quan khi không soi chiếu người, chỉ tập trung soi chiếu hành lý, hàng hóa.

Vào lúc 20 giờ ngày 25/8/2017, Đại úy Tiến cùng đồng đội phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài bắt giữ 5 đối tượng khi vừa bay từ Hà Nội sang Thái Lan, từ Thái Lan bay tiếp sang Hong Kong nhận vàng trang sức, vận chuyển về đến sân bay Nội Bài. Trong người mỗi đối tượng cất giấu 5-6 kg vàng quấn quanh bụng, đùi bằng băng gen, ngụy trang bằng những bộ quần áo rộng. Trong quá trình khám xét nơi ở của Mai, Cơ quan công an thu giữ hơn 8 kg vàng trang sức.

Đại úy Tiến (ngồi giữa) cùng đồng đội họp án

Đây là vụ án buôn lậu vàng trang sức có số lượng tang vật thu giữ lớn nhất từ trước đến nay là 36,29 kg vàng trang sức trị giá 24 tỉ đồng, thu giữ 480 triệu đồng và 20.000 USD tiền mặt. Chiến công của Đại úy Tiến và đồng đội đã vạch rõ “lỗ hổng” hàng không nghiêm trọng trong công tác kiểm tra, kiểm soát an ninh dễ dẫn đến việc lợi dụng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua đường hàng không.

Chặt đứt những đường dây tội phạm

Đại úy Nguyễn Trường Tiến quê ở huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc. Năm 2009, khi bước chân vào Trường Trung cấp cảnh sát, học Khoa Kinh tế, anh không nghĩ sau này mình lại là một chiến sĩ công an chuyên điều tra phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn lậu vàng. Năm 2011 ra trường, anh về công tác tại Công an quận Đống Đa. Năm 2014, anh tiếp tục học tại Học viện Cảnh sát nhân dân. Cũng năm 2014, Đại úy Tiến được điều chuyển về Đội Điều tra phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn lậu, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an thành phố Hà Nội.

Về đội năm trước thì đến năm sau anh đã lập chiến công khi hơn một năm đeo bám và trực tiếp khám phá đường dây vận chuyển trái phép vàng trang sức từ Hong Kong qua tuyến đường bộ cửa khẩu Móng Cái - Quảng Ninh về Hà Nội tiêu thụ. Tang vật thu giữ gồm 4.319 sản phẩm là vàng trang sức, tổng trọng lượng hơn 33 kg, giá trị ước tính khoảng 1 triệu USD, tương đương 21 tỷ đồng.

8 năm ở đội, Đại úy Tiến liên tiếp lập nhiều chiến công xuất sắc. Chuyên án mà Đại úy Tiến là trinh sát trực tiếp đấu tranh khám phá năm 2016 là đường dây có hành vi buôn lậu vàng bằng đường hàng không từ Việt Nam sang Hàn Quốc mà phải mất gần một năm anh mới phá án thành công.

Hoàng Thị Ngọc Anh từng làm tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines. Đi bay nhiều, Ngọc Anh biết được rằng giá vàng ở Việt Nam thấp hơn ở Hàn Quốc. Vậy là từ năm 2014, sau khi nghỉ việc, Ngọc Anh lên kế hoạch đưa vàng nguyên liệu từ trong nước sang Hàn Quốc bán kiếm lời. Ngọc Anh cùng chồng là Nguyễn Ngọc Sang móc nối với Phạm Duy Nhuận - thợ sửa chữa máy bay thuộc Công ty TNHH MTV kỹ thuật máy bay VAECO để cất giấu vàng trên máy bay. Trước mỗi chuyến đi hàng, Ngọc Anh sẽ tuồn vàng cho Nhuận, kèm lời nhắn vị trí chỗ ngồi.

Nhuận sẽ lên máy bay cất giấu vàng dưới ghế ngồi máy bay để xuất lậu đi Hàn Quốc. Để nắm bắt vụ việc, nhiều lần Đại úy Tiến phải đóng vai nhân viên khai thác ở sân bay để quan sát. Tối 27/7/2016, Ngọc Anh cùng chồng ung dung lên máy bay, yên tâm rằng 4 cục vàng (tương đương hơn 80 cây vàng) đã được Nhuận giấu sẵn dưới ghế.

Vừa lên máy bay, Ngọc Anh và chồng thoáng giật mình, bởi bình thường như các chuyến đi hàng khác, người lên máy bay đầu tiên phải là cô ta. Nhưng, hôm đó đã có hai người lên máy bay trước, chính là Đại úy Tiến và một cán bộ hải quan đóng vai hành khách.

Đôi vợ chồng vừa ngồi vào ghế thì bị bắt giữ. Lật phía dưới ghế ngồi của Ngọc Anh, anh Tiến lấy làm lạ vì không thấy hàng đâu. Nghi ngờ Ngọc Anh không ngồi đúng số ghế, anh lập tức hỏi tiếp viên trưởng về vị trí ngồi thì hóa ra chỗ ngồi của cô ta là một vị trí khác. Khi lật ghế ở vị trí đó, anh phát hiện vàng được dính chặt vào khung sắt bằng nam châm và quấn băng dính đen. Mọi phán đoán của anh đã đúng. Số vàng thu giữ có hàm lượng 99,99%, tổng trọng lượng là hơn 3,1 kg, tổng giá trị là hơn 2,8 tỉ đồng.

Trong nhiều lần phá án, Đại úy Tiến và đồng đội đối mặt với hiểm nguy, tính mạng bị đe dọa. Nhưng, nguy hiểm hơn, khó lường hơn là những lần anh đối mặt với những “cạm bẫy ngọt ngào”, những lời gợi ý đường mật, những câu mặc cả mà bọn tội phạm đưa ra để dụ dỗ, mua chuộc. Trong vụ buôn lậu vàng “khủng” của Lê Thị Ngọc Mai, đối tượng đã đưa ra số tiền lớn để mặc cả với anh.

“Càng trong những tình huống như thế, mình càng phải rắn, phải có bản lĩnh vững vàng. Có như vậy mới chặt đứt những đường dây tội phạm. Và, những tình tiết ấy tôi luôn báo cáo đầy đủ với cấp trên”, anh tâm sự.

Nguồn: An ninh thế giới

Tin mới