Nhà phân tích quân sự người Nga, Vadim Mingalev đã chia sẻ những hiểu biết của mình với tờ báo Izvestia, ông cho rằng tên lửa Martlet do Anh viện trợ cho Ukraine, kém hơn đáng kể so với các loại tên lửa phòng không khác được phương Tây cung cấp. Mặc dù vậy, ông vẫn cảnh báo rằng, những tên lửa này có thể gây gián đoạn hoạt động hàng không của Nga ở một mức độ nào đó.
“Những tên lửa như thế này khá lỗi thời. Chúng sẽ không đủ để cứu vãn hệ thống phòng không của Ukraine. Hiện tại, chúng rõ ràng bị hệ thống S-300, S-400 và S-500 của chúng tôi vượt mặt. Tuy nhiên, nó vẫn có thể gây ra một số khó khăn nhất định cho Không quân Nga”, Mingalev giải thích.
Trực thăng Nga trúng tên lửa vác vai trên chiến trường Ukraine.
Mối đe dọa từ tên lửa Martlet
Tên lửa Martlet của Anh nổi tiếng với độ chính xác cao khi chống lại các mục tiêu bay thấp và có tốc độ di chuyển nhanh. Tên lửa được thiết kế đặc biệt để chống lại trực thăng, máy bay không người lái và các mối đe dọa tầm thấp khác.
Trong khi đó, các máy bay chiến đấu của Nga hoạt động ở Ukraine thường áp dụng chiến thuật bay thấp để né tránh radar và các hệ thống phòng không tiên tiến của Ukraine, chính vì vậy mà Martlet được xem là mối đe dọa nghiêm trọng đối với những máy bay chiến đấu của Nga.
Các trực thăng tấn công của Nga như Mi-24/35 và Ka-52 sẽ gặp nguy hiểm nhiều hơn. Những trực thăng này thường bay ở độ cao thấp để hỗ trợ trên không tầm gần, khiến chúng trở thành mục tiêu dễ dàng trước tên lửa Martlet. Tương tự như vậy, máy bay tấn công mặt đất Su-25, được biết đến với khả năng bay ở độ cao thấp trong các cuộc tấn công mặt đất, cũng sẽ trở thành mục tiêu dễ dàng cho loại tên lửa này.
Các máy bay không người lái của Nga, như Orlan-10 thường được sử dụng để trinh sát và chỉ điểm pháo binh, cũng dễ bị tấn công. Những máy bay không người lái này thường hoạt động ở độ cao thấp hơn, khiến chúng trở thành mục tiêu hoàn hảo cho tên lửa Martlet. Điều này khiến cả máy bay có người lái và UAV đều trở thành những mục tiêu hàng đầu khi đối đầu với tên lửa Martlet và điều này có những tác động đáng kể đến các hoạt động hàng không của Nga tại Ukraine.
Đôi nét về tên lửa Martlet
Tên lửa Martlet của Anh là một loại tên lửa đa năng hạng nhẹ, là loại vũ khí không đối đất được chế tạo để tấn công nhiều loại mục tiêu khác nhau, chẳng hạn như tàu cao tốc, máy bay không người lái và xe bọc thép hạng nhẹ.
Tên lửa có trọng lượng khoảng 13 kg, dài khoảng 1,8 mét, với sải cánh khoảng 1 mét. Thiết kế nhỏ gọn, nhẹ cho phép nó được phóng từ nhiều nền tảng, bao gồm cả trực thăng và máy bay không người lái, khiến Martlet trở thành lựa chọn thích hợp cho các nhiệm vụ quân sự hiện đại.
Tên lửa này sử dụng hệ thống dẫn đường laser bán chủ động, giúp bảo đảm độ chính xác và hiệu quả cao khi tấn công các mục tiêu di động. Tùy thuộc vào bệ phóng và điều kiện hoạt động, nó có thể bắn được mục tiêu ở khoảng cách lên tới 8 km.
Với thiết kế dạng mô-đun, tên lửa Martlet dễ dàng tích hợp vào nhiều hệ thống vũ khí khác nhau, giúp tăng cường tính linh hoạt trong chiến đấu. Tên lửa Martlet vẫn được xem là một tài sản quan trọng đối với Hải quân Hoàng gia và các nhánh khác của Lực lượng Vũ trang Anh trong các tình huống chiến đấu hiện đại.
Một số chuyên gia nhấn mạnh rằng, những hành động của phương Tây nhằm mục đích kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine, tuy nhiên điều này sẽ không thể ngăn chặn được các chiến thuật tấn công đang diễn ra của lực lượng vũ trang Nga.
Tên lửa Martlet trong tay binh sĩ Ukraine.
Vào ngày 3/9 vừa qua, Andrey Koshkin, Trưởng Khoa phân tích chính trị và các quá trình tâm lý xã hội tại Đại học Kinh tế Nga, đã chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Izvestia rằng, lực lượng phòng không của Ukraine đang phải vật lộn để bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng của quốc gia. Ông cho rằng điều này là do viện trợ tài chính của phương Tây không đến được với Quân đội Ukraine và khó khăn trong việc tích hợp các thiết bị hiện có vào một hệ thống gắn kết.
Cuối tháng 8/2024, tờ The Wall Street Journal đưa tin, các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã làm lộ rõ những lỗ hổng đáng kể trong hệ thống phòng không của nước này. Đáng chú ý, cuộc tấn công của Nga vào ngày 26/8 vừa qua đã cho thấy những hạn chế về nguồn lực của Kiev trong việc đánh chặn hiệu quả các tên lửa. Sau những cuộc tấn công này, các nhà lãnh đạo Ukraine đã thúc giục các đồng minh phương Tây của họ, nới lỏng các hạn chế để có thể sử dụng vũ khí tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga.