Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Không quân Anh lo lắng trước tương lai ‘mờ mịt’ của chiến đấu cơ Typhoon

(VTC News) -

Kỷ nguyên của máy bay chiến đấu không tàng hình đang dần đi đến hồi kết, không quân Anh đang phải tìm lối thoát cho chiến đấu cơ Typhoon.

Eurofighter Typhoon là máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư của Không quân Hoàng gia Anh. Những nâng cấp liên tục đã giúp máy bay chiến đấu Typhoon duy trì hoạt động và vẫn giữ được vị trí trong lực lượng không quân Anh. Nhưng chi phí cao cho những gói nâng cấp cùng sự phát triển của Hệ thống chiến đấu trên không tương lai (FCAS) sẽ buộc Typhoon phải bị thay thế vào năm 2040.

Eurofighter Typhoon đã phục vụ trong Không quân Hoàng gia Anh (RAF) hơn hai thập kỷ. Nhưng trước sự ra đời của các dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và tầm quan trọng ngày càng tăng của công nghệ tàng hình, thì chiếc máy bay không tàng hình này khó có thể tồn tại trong thời gian tới?

Eurofighter Typhoon của Không quân Anh.

Tương lai của Eurofighter

Eurofighter Typhoon là chiến đấu cơ thế hệ thứ tư của Không quân Hoàng gia Anh, tương tự như F-16 của Không quân Mỹ. Eurofighter Typhoon vẫn hoạt động tích cực trong không quân Anh, trong vai trò là máy bay cảnh báo phản ứng nhanh và tuần tra trên không, thay vì phải sử dụng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 như F-35.

Nếu nhiệm vụ được giao là cảnh báo phản ứng nhanh và kiểm soát không phận, thì Typhoon là loại chiến đấu cơ phù hợp nhất bởi nó có phạm vi hoạt động lớn, hiệu suất hoạt động tốt và chi phí vận hành rẻ hơn nhiều so với F-35”, Justin Bronk, thành viên của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, cho biết.

Justin Bronk khẳng định lại, “Typhoon phù hợp hơn nhiều với vai trò đó”. Thêm vào đó, Typhoon có thể mang nhiều vũ khí hơn, khiến máy bay phản lực này có thể nói là hiệu quả hơn đối với các nhiệm vụ trong không phận cho phép hoặc những khu vực phức tạp như Iraq và Syria.

Và nhờ được nâng cấp liên tục, Typhoon vẫn hiện đại hơn so với ban đầu và một số chiến đấu cơ cùng thế hệ. Chiếc máy bay này có các hệ thống điện tử, radar và phòng thủ hiện đại.

Theo các chuyên gia của Air Force Technology, “việc nâng cấp sẽ rất tốn kém và một số máy bay cũ sẽ nghỉ hưu sớm hơn 15 năm so với dự kiến”. Khi các máy bay Typhoon nghỉ hưu, sẽ khó duy trì được khả năng của RAF trong các nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không hơn, đơn giản là vì không còn nhiều máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không để huấn luyện. Tuy nhiên, Typhoon vẫn chưa biến mất ngay, chiếc máy bay phản lực này sẽ vẫn là trụ cột của RAF cho đến ít nhất là năm 2040.

F-35, đặc biệt là F-35B, có chi phí vận hành đắt hơn nhiều so với Typhoon”, Air Force Technology đưa tin. Eurofighter không có lớp phủ tàng hình như F-35 nên chi phí bảo trì sẽ tiết kiệm hơn.

Anh cũng đang hợp tác với các nước khác để phát triển Hệ thống Không quân chiến đấu tương lai (FCAS), một máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ sáu. Chương trình FCAS vẫn đang trong giai đoạn đầu và vẫn còn nhiều năm nữa mới có thể đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, chương trình FCAS đại diện cho mẫu chiến đấu cơ thế hệ mới và điều này chắc chắn sẽ khiến Typhoon trở nên lỗi thời.

Máy bay Eurofighter Typhoon với vũ khí mang theo.

Máy bay chiến đấu Typhoon

Typhoon là máy bay chiến đấu đa năng, tốc độ siêu thanh, hai động cơ và có hình dáng dễ nhận biết. Chiếc máy bay này có cánh hình tam giác, khiến nó trở thành một trong những máy bay phản lực dễ nhận dạng nhất trên bầu trời.

Chuyến bay đầu tiên của Eurofighter diễn ra vào năm 1994, cho đến nay đã có hơn 700 chiếc Typhoon được sản xuất cho các khách hàng bao gồm Áo, Đức, Italia, Kuwait, Oman, Ả Rập Xê Út, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh và Qatar. Khách hàng quốc tế bị thu hút bởi sự nhanh nhẹn của Typhoon, cả ở tốc độ thấp và siêu thanh.

Typhoon được chế tạo từ vật liệu nhẹ, bao gồm 82% là vật liệu tổng hợp. Khung máy bay có tuổi thọ ước tính là 6.000 giờ bay. Typhoon  không phải  là máy bay chiến đấu tàng hình. Tuy nhiên, chiếc máy bay này đã được bổ sung các tính năng  để giảm tiết diện phản xạ radar (RCS). Một ví dụ là các cửa hút gió của máy bay đã được thiết kế lại, giúp che giấu mặt trước của động cơ khỏi radar.

Các bộ phận khác như radar, cánh, cánh phụ và các cạnh trước của vây, được cải tiến để tránh phản xạ năng lượng radar. Ngoài ra, một số vũ khí bên ngoài được lắp chìm một nửa vào khung máy bay, giúp che chắn một phần các vũ khí này khỏi radar. Cuối cùng, các vật liệu hấp thụ radar (RAM) đã được sử dụng để che chắn cho các điểm phản xạ của máy bay, như các cạnh trước của cánh, các cạnh hút gió, bánh lái và các thanh chắn.

Typhoon được trang bị hai động cơ Eurojet EJ200, cung cấp lực đẩy lên tới 20.230 pound (khi bật chế độ đốt sau). EJ200 sử dụng các công nghệ tiên tiến góp phần tạo ra tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng cao, giúp máy bay có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ, đạt tốc độ cao, mức tiêu thụ nhiên liệu thấp, chi phí sở hữu thấp, kết cấu mô-đun và tiềm năng cải tiến công nghệ trong tương lai.

Nhìn chung, Eurofighter Typhoon là một máy bay có khả năng và nó sẽ tiếp tục phục vụ trong ít nhất mười lăm năm nữa. Nhưng kỉ nguyên của những chiếc máy bay chiến đấu không tàng hình đang dần đi đến hồi kết.

Lê Hưng (National Interest)

Tin mới