Nhận định trên được đưa ra tại một sự kiện của Hội đồng Đại Tây Dương để thảo luận về một báo cáo mới của tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington về Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) của Trung Quốc. Ông Rick Waters cũng cảnh báo rằng Bắc Kinh đang cố gắng miêu tả trật tự quốc tế hiện nay như một cấu trúc của phương Tây.
GSI là sáng kiến an ninh được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất vào năm ngoái và được chính thức hóa trong một bài báo phát hành vào tháng 2 với chủ trương tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. Tài liệu này là phần bổ sung cho Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI), một đề xuất khác của chính phủ Trung Quốc củng cố quan điểm của Bắc Kinh về các chính sách phát triển.
Các nhà phê bình Mỹ cho rằng cả hai sáng kiến này đều được tiến hành nhằm bác bỏ các giá trị tự do toàn cầu như dân chủ và nhân quyền.
Cụ thể, Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung của chính phủ Mỹ viết trong báo cáo rằng mục tiêu cốt lõi của Trung Quốc dường như là làm suy thoái các liên minh và quan hệ đối tác do Mỹ dẫn đầu dưới hình thức đưa ra những nguyên tắc sáo rỗng mà thực chất không đóng góp cho nền hòa bình toàn cầu.
Ông Rick Waters cho rằng: “Trung Quốc là quốc gia duy nhất vừa có ý định định hình lại trật tự quốc tế, vừa muốn gia tăng sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ. Kế hoạch của Bắc Kinh sẽ khiến Mỹ rời xa các giá trị phổ quát đã duy trì sự tiến bộ của thế giới trong 75 năm qua”.
Ông Rick Waters - quan chức Văn phòng Điều phối Trung Quốc, Bộ ngoại giao Mỹ (Ảnh: SCMP)
Quan điểm của ông Waters tương đồng với nhiều quan chức trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Quan chức Mỹ phủ nhận rằng các nguyên tắc của trật tự toàn cầu là “sự kiến tạo của phương Tây”, lập luận rằng Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn Nhân quyền là nguyện vọng chung trên toàn cầu.
Ông giải thích, cách để ngăn chặn nỗ lực sửa đổi trật tự an ninh phương Tây của Trung Quốc là phải hiện đại hóa các nguyên tắc này để chúng phản ánh được “lợi ích, giá trị và hy vọng của tất cả các quốc gia từ mọi khu vực trên thế giới”.
“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ có thể đáp ứng không chỉ những thách thức hiện nay mà là cả những thách thức sẽ phải đối mặt trong tương lai. Tuy nhiên chúng tôi cũng không thể nói trước bất kỳ điều gì bởi nền tảng của trật tự này đang bị đe dọa nghiêm trọng”.
Jonathan Fulton, thành viên cấp cao không thường trực tại Hội đồng Đại Tây Dương, chỉ ra rằng phương Tây ít chú ý đến các đề xuất của Trung Quốc như Sáng kiến An ninh Toàn cầu và cảnh báo GSI sẽ trở thành một trong những trọng tâm trong chương trình nghị sự của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu qua video tại lễ khai mạc diễn đàn châu Á Bác Ngao tại Hội nghị thường niên châu Á 2022. (Ảnh: Xinhua)
Michael Schuman, đồng tác giả của báo cáo về GSI và là thành viên của Trung tâm Trung Quốc Toàn cầu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết các đề xuất như GSI và GDI vẫn cố tình “được bỏ ngỏ” và còn khá mơ hồ. Song, ông dự đoán rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng các sáng kiến và sử dụng chúng không chỉ như một giải pháp thay thế cho quản trị toàn cầu mà còn là giải pháp cho các vấn đề của thế giới.
“Tôi nghĩ rằng Washington và các đồng minh cần phải đẩy mạnh cuộc chơi và củng cố các thể chế toàn cầu hiện có. Điều nãy sẽ giúp thúc đẩy lợi ích của trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ hiện tại một cách mạnh mẽ hơn và chống lại những nỗ lực của Trung Quốc”, ông Schuman nói.