Đường cao tốc sa mạc Tarim - con đường băng qua sa mạc Taklimakan từ bắc xuống nam – đã chính thức đi vào hoạt động từ năm 1995. Con đường này rút ngắn khoảng cách đi lại giữa thành phố Urumqi, thủ phủ của vùng Tân Cương của Trung Quốc và tỉnh Hoà Điền thêm 500 km.
Tuyến đường này cũng đi qua một trong những vùng khắc nghiệt nhất hành tinh, có diện tích 270.000 km². Tên gọi của sa mạc này, theo tiếng Duy Ngô Nhĩ, có nghĩa là "chỉ có thể đi vào mà không thể đi ra". Đối với người Trung Quốc, nơi này còn được gọi là "Biển tử thần".
Tuy nhiên, hiện nay, hai bên tuyến cao tốc dài 522 km này đã là các “khu rừng” xanh mướt mọc lên giữa vùng cát sa mạc cằn cỗi nhờ sử dụng công nghệ “đất hoá sa mạc” hiện đại.
“Khu rừng” xanh mướt mọc lên giữa vùng cát sa mạc cằn cỗi nhờ sử dụng công nghệ “đất hoá sa mạc” hiện đại. (Ảnh: rove.me)
Kể từ khi được xây dựng vào năm 1995, một vấn đề vẫn luôn ám ảnh những người xây dựng con đường này là: làm thế nào để cồn cát không vùi lấp đường cao tốc? Trong mười năm đầu tiên, con đường liên tục bị ảnh hưởng bởi cát, địa hình và môi trường đã "chặn đứng" hàng chục chuyến xe tải vận chuyển dầu từ lưu vực Tarim về phía nam.
Để tìm ra giải pháp, một dự án xây dựng một vành đai xanh khổng lồ ở hai bên đường cao tốc Tarim được nhen nhóm và bước đầu triển khai bởi một nhóm các kỹ thuật viên Trung Quốc vào năm 2003. Chỉ trong vỏn vẹn 2 năm, vành đai xanh dài 436 km đã được hình thành, song do đặc điểm địa hình sa mạc khô cằn, việc trồng rừng tại đây là một thách thức vô cùng lớn đối với chính quyền địa phương.
Đội ngũ dự án đã sử dụng các đường ống tưới nhỏ giọt để thảm thực vật phát triển. Để duy trì tưới và nuôi dưỡng cây trồng, 109 trạm giếng nước đã được xây dựng để bơm nước cho cây trồng. Theo cách này, vành đai bụi rậm và cây nhỏ sẽ ngăn cát vượt qua và giữ cho đường cao tốc thông thoáng.
Kể từ năm 2003, Trung Quốc đã trồng khoảng 2 triệu cây mỗi năm, xây dựng hàng chục giếng nước và tăng kích thước của vành đai chống cát lên khoảng 70 mét chiều rộng và 400 km chiều dài. Việc trồng cây trên đường cao tốc Tarim đang được nghiên cứu bởi các học giả thế giới như một ví dụ điển hình về cách phát triển hệ thống tưới tiêu ở những vùng khô hạn.
Bước tiến mới trong công nghệ “đất hoá sa mạc”
Năm 2013, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Giao thông Trùng Khánh đã phát triển kỹ thuật “đất hóa sa mạc”, giúp chuyển đất cát khô cằn thành đất gieo trồng màu mỡ để hỗ trợ việc trồng rừng tại sa mạc Tarim với chi phí vừa phải.
Sau nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm thành công, giáo sư Yi Zhijian và cộng sự đến từ Đại học Giao thông Trùng Khánh đã xin cấp bằng sáng chế kỹ thuật cho công nghệ này. Kỹ thuật này đem đến cho cát các đặc tính như đất với các đặc tính giữ nước, giữ khí và hấp thụ phân bón.
Ảnh chụp từ trên cao cho thấy một đường cao tốc Tarim đi qua sa mạc Taklimakan ở Khu tự trị Tân Cương của người Duy Ngô Nhĩ, phía tây bắc Trung Quốc (Ảnh: Xinhua)
Thửa đất thử nghiệm đầu tiên được nhóm nghiên cứu lựa chọn nằm ở sa mạc Ulan Buh thuộc vùng Nội Mông bởi lẽ đây là khu vực cần một lượng nước rất ít nhưng lại cho năng suất cao hơn đất chưa qua xử lý.
Anh Li Ya – Thành viên nhóm nghiên cứu ở Đại học Giao thông Trùng Khánh cho biết: “Khoảng đất này là khu cải tạo sinh thái sa mạc. Chúng tôi gieo hạt ở đây năm 2017, sau đó khoảng đất chỉ được tưới vài lần với chưa đến 50m3 nước dùng cho tưới tiêu. Sau đó, cây cối tự mọc mà không có sự can thiệp của con người, chỉ dựa vào với lượng mưa tự nhiên. Khi giẫm lên “đất” ở đây, chúng tôi nhận thấy đất nén rất chặt, khác biệt hoàn toàn với chất cát sa mạc ban đầu".
Sau đó, kỹ thuật này cũng được ứng dụng ở khu tự trị Tân Cương Duy Ngô Nhĩ. Trên sa mạc Taklimakan, sa mạc lớn nhất Trung Quốc và một trong những khu vực khô cằn nhất thế giới, khoảng 666,67 hecta đất sa mạc đã chuyển thành đất trồng trọt, có thể trồng cỏ linh lăng và nhiều hoa màu khác.
Anh Wang Zhixiang, một thành viên khác thuộc nhóm nghiên cứu ở Đại học Giao thông Trùng Khánh cho hay: “Cỏ linh lăng đang nảy mầm lại sau khi chúng tôi thu hoạch vụ đầu tiên cuối tháng 5. Chỉ sau khoảng một tháng, chúng tôi sẽ thu hoạch được lần nữa. Ở thửa đất này, chúng tôi có thể thu hoạch đến 3 lần một năm.”
Kết hợp chuyển đổi năng lượng sạch
Cùng với nỗ lực phát triển bền vững, tháng 1/2022, chi nhánh mỏ dầu Tarim của Công ty Cổ phần TNHH Dầu khí Trung Quốc (PetroChina) đã khởi động dự án chuyển đổi nhằm chuyển đổi tất cả các máy phát điện diesel thành máy quang điện tại khu vực này.
Các máy phát điện năng lượng mặt trời cũng được trang bị các thiết bị lưu trữ năng lượng, đảm bảo cung cấp điện ổn định và cung cấp điện cho công nhân bảo trì. (Ảnh: Xinhua)
Ngày 22/6/2022, dự án “Đường cao tốc sa mạc Tarim không phát thải carbon” đã được đưa vào hoạt động. Các máy phát điện năng lượng mặt trời cũng được trang bị các thiết bị lưu trữ năng lượng, đảm bảo cung cấp điện ổn định và cung cấp điện cho công nhân bảo trì.
Điện được tạo ra từ các tấm pin mặt trời được sử dụng để bơm nước ngầm phục phụ cho mục đích tưới tiêu thảm thực vật. Những cây xanh này sẽ giúp hấp thụ khí thải CO2 thải ra từ các phương tiện chạy qua cao tốc, góp phần thanh lọc không khí và tiết kiệm năng lượng chuyển hoá triệt để. Bằng cách này, cao tốc sa mạc Tarim đã đạt được mục tiêu không ô nhiễm và không tạo ra khí thải.
Ông Xu Bo – Kiểm lâm Đường cao tốc sa mạc Tarim cho biết: “Chúng tôi sử dụng các tấm pin mặt trời để tạo ra điện để bơm nước cho vành xanh dọc theo đường cao tốc sa mạc. Hiện toàn bộ 109 trạm giếng đã được đưa vào sử dụng. Kể từ đó, năng lượng diesel đã được thay thế bằng năng lượng mặt trời.”