Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chủ tịch Quốc hội: Quy định thu hồi đất cần 'van, khoá' chặt chẽ

(VTC News) -

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với ý kiến cần có "điều quét" về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội nhưng phải có van, khoá chặt chẽ.

Tiếp tục phiên họp thứ 26, chiều 28/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Các đại biểu nhận định, dự thảo luật liệt kê tới 27 trường hợp thu hồi đất, trong mỗi trường hợp lại tiếp tục liệt kê cụ thể từng mục. Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung một "điều quét" trong luật để bao quát hết, chẳng hạn nhà sinh hoạt cộng đồng rất cần thiết nhưng lại không được liệt kê trong dự thảo.

Phát biểu thảo luận về quy định trường hợp thu hồi đất theo hướng liệt kê, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng trong cuộc sống không thể nào liệt kê hết các trường hợp cụ thể. Vì vậy, cần có "điều quét" để khi có tình huống phát sinh, không thể nói là luật không có quy định, "đóng hết cửa" không cho thực hiện.

"Quét nhưng vẫn có van, khoá chặt chẽ. Nói trường hợp thu hồi phải phù hợp quy hoạch nhưng quy hoạch nào thì phải làm rõ", Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Ảnh: Quochoi.vn)

Lưu ý một số nội dung quan trọng vẫn đang trong quá trình xem xét, lựa chọn phương án tối ưu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục phát huy cách làm từ đầu nhiệm kỳ đến nay, phối hợp thật tốt để có dự thảo chất lượng nhất.

Với các nội dung còn 2 phương án, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần đợi đến phút cuối Quốc hội thấy "chín muồi" mới quyết định.

"Điều quan trọng là từng phương án phải nêu rõ ưu, nhược điểm, cơ sở chính trị, thực tiễn, pháp lý thế nào để khách quan, công khai, minh bạch. Khi đó, gần 500 đại biểu đủ trí tuệ để quyết", ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Trước đó, trình bày báo cáo một số vấn đề lớn để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, liên quan đến trường hợp thu hồi đất cho các dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ, dự thảo chỉnh sửa theo hướng HĐND cấp tỉnh quy định về tiêu chí xác định dự án thu hồi đất phù hợp với điều kiện của địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều loại ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. (Ảnh: Quochoi.vn)

Một nội dung khác cũng chưa đạt sự đồng thuận cao là trường hợp “cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (khoản 7, điều 46). Dự thảo luật thiết kế 2 phương án về điều kiện nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng (trừ trường hợp thuộc hàng thừa kế) đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Phương án 1: Trong mọi trường hợp, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, tặng, cho đất trồng lúa đều phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa.

Phương án 2 quy định: Khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định tại khoản 1, điều 176 Luật này thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa theo quy định.

"Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí phương án 1 để bảo đảm quản lý nghiêm ngặt đất trồng lúa, tránh việc trục lợi chính sách nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; một số ý kiến tán thành phương án 2", ông Vũ Hồng Thanh thông tin.

Liên quan đến quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư tại nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất ở, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp tục báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ ràng quan điểm của Chính phủ về nội dung này; đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.

Anh Văn

Tin mới