Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Kế sinh nhai' trong Luật Đất đai (sửa đổi): Chủ trương mới, nhân văn

(VTC News) -

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho rằng, ngoài giá bồi thường, đảm bảo kế sinh nhai là yếu tố quan trọng để người mất đất sẵn sàng di dời sang nơi ở mới.

Vấn đề đảm bảo thu nhập, kế sinh nhai cho người bị thu hồi đất tiếp tục được nhiều đại biểu, chuyên gia và người dân quan tâm trong đến Luật Đất đai (sửa đổi) 2023

Lo kế sinh nhai: Chủ trương nhân văn

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đặc biệt nhấn mạnh nội dung này tại phiên thảo luận ở tổ ngày 9/6 về Dự thảo Luật Đất đai.

Theo Bộ trưởng, việc sửa luật phải đảm bảo được việc quản lý và sử dụng đất hiệu quả, đảm bảo được lợi ích của nhân dân. 

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, quan điểm bồi thường, hỗ trợ tái định cư “phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” cần phải được làm rõ.

Khu tái định cư bằng hoặc hơn nơi ở cũ, cuộc sống của nhân dân sau khi tái định cư phải được đảm bảo bằng hoặc hơn trước. Trong đó, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội sản xuất, sinh kế mới đảm bảo bằng hoặc hơn cuộc sống trước đây”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh

Đồng thời, ngoài vấn đề tái định cư, chuyển đổi, đào tạo nghề, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng nhấn mạnh đến đối tượng như người già, trẻ em, người yếu thế phải sản xuất và sinh kế của họ thế nào. Trong luật đưa ra khung, đưa ra yêu cầu, đưa ra mục tiêu, mục đích; nhưng chính quyền địa phương phải tham gia. Đặc biệt, phải chú trọng đến phong tục, tập quán, bản sắc văn hoá của từng vùng.

Góp ý về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trước đó, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đánh giá, đây là quan điểm tiến bộ, nhân văn theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của người dân.

Đồng quan điểm, TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho biết, về mặt tâm lý chung, lo lắng đầu tiên của người dân bị thu hồi đất sản xuất là làm sao để có việc làm ổn định lâu dài, bảo đảm được cuộc sống trong tương lai. Mặt khác, Đảng và Nhà nước ta luôn chủ trương bảo đảm cuộc sống của người dân bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ sau khi bị thu hồi đất. Muốn vậy, việc quan trọng hàng đầu là người dân phải có việc làm, có thu nhập ổn định, thường xuyên.

Ông Thanh cũng cho biết, quá trình thực hiện Luật đất đai năm 2013, căn cứ vào khoản 2 Điều 74 cho phép "nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền...", một số địa phương đã xảy ra tình trạng cứ giao được gói tiền cho người bị thu hồi đất là coi như hoàn thành nhiệm vụ.

Không ít người dân nhận tiền bồi thường nhưng không có việc làm mới; không việc làm nhưng vẫn phải ăn, phải tiêu, "miệng ăn, núi lở", bổng chốc hết tiền, rơi vào hoàn cảnh là đối tượng trợ giúp xã hội.

Chính vì vậy, theo ông, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung vào các Điều về thu hồi đất của Chương VI những vấn đề mới về tổ chức lại sản xuất, tạo việc làm mới để làm căn cứ cho các quy định cụ thể ở Chương VII, Bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Cho ý kiến xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ông Hoàng Minh Hiếu -  Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho biết, việc đền bù và hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi hiện nay chủ yếu trọn gói một lần bằng tiền mà không hướng đến tạo nguồn sinh kế mới cho họ.

Thời gian qua, khi các dự án đi vào hoạt động, đất đai và sinh kế của nhiều hộ gia đình tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực, như đất úng ngập, thậm chí không thể tiếp tục cuộc sống ở phần đất còn lại. Điều này gây xáo trộn và bức xúc trong cộng đồng, thậm chí có nghịch cảnh là người dân ở xung quanh một số nhà máy thủy điện lại không có điện sinh hoạt.

"Tôi đề nghị ban soạn thảo bổ sung cơ chế chia sẻ lợi ích giữa nhà đầu tư với người dân trong các dự án có tác động lớn đến môi trường sống. Việc này nhằm tạo điều kiện phục hồi và phát triển sinh kế lâu dài cho người bị thu hồi đất", ông Hiếu nhấn mạnh.

Theo ông Hiếu, chia sẻ lợi ích không chỉ là hỗ trợ, bồi thường trực tiếp cho các thiệt hại mà còn bao gồm rất nhiều công cụ khác, như chia sẻ lâu dài nguồn thu được từ các dự án, áp dụng giá điện ưu đãi hoặc xây dựng các quỹ phát triển cộng đồng. Đồng thời, Nhà nước, doanh nghiệp bằng nhiều biện pháp phải cải thiện thu nhập, môi trường sống của người dân, ví như thực hiện các dự án về y tế, giáo dục, các khoản đầu tư phụ trợ, chuyển đổi công ăn việc làm.

Ông Hiếu cho hay, nhiều nước đã thực hiện chính sách này hiệu quả như Hàn Quốc, Na Uy, Brazil, Thái Lan... Khi tiếp xúc cử tri ở miền tây Nghệ An, nhiều người cũng nói cơ chế chia sẻ lợi ích như trên sẽ tạo sự gắn kết hài hòa giữa các doanh nghiệp, người dân và chính quyền địa phương.

Luật Đất đai (sửa đổi) cần cụ thể hoá hơn nữa vào việc tạo kế sinh nhai cho người dân mất đất.

Luật cần cụ thể hơn

GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thẳng thắn nói, vấn đề kế sinh nhai cho người dân cần được quy định cụ thể hơn trong Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, đảm bảo thu nhập cho người dân thì phải nói rõ “bằng cách nào”.

Tôi cho rằng, cần phải đưa hẳn vào Luật hoặc giao cho Chính phủ quy định các chính sách cụ thể, để người tái định cư có thể tạo được kế sinh nhai, nghề nghiệp mới”, ông Võ nhấn mạnh.

Cũng theo ông Võ, định hướng sinh kế mới có thể bằng chính sách giao đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, giao đất mới để người dân có thu nhập.

Đối với những diện tích đất thu hồi là đất mặt tiền thì bắt buộc phải tái định cư tại chỗ, có thể diện tích đất mới sẽ nhỏ hơn đất cũ nhưng người dân sẽ được hưởng lợi là mặt đường mới rộng hơn.

Đối với đất nông, lâm nghiệp, trong Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: có thể bồi thường bằng đất cùng loại hoặc bằng tiền, hoặc bằng đất khác loại và tài sản gắn liền trên đất. Việc quy định bằng loại đất khác là điểm đổi mới của Luật nhưng mà phải ghi rõ khẳng định thay vì "có thể".

Bên cạnh đó, theo ông Võ, trong Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định việc đào tạo nghề cho người mất đất phải phù hợp với năng lực của người lao động và nhu cầu thực tế của thị trường. Một thực tế hiện nay là nhiều trung tâm đào tạo nghề chỉ đạo tạo nghề mà trung tâm biết, chứ không phải theo năng lực của người dân và thực tế thị trường cần.

Nếu người dân chuyển đến nơi ở mới có thu nhập cao hơn thì họ sẽ sẵn sàng di dời thôi”, ông Võ nhấn mạnh.

Ông Võ cũng cho biết, hiện nay đã có nhiều địa phương thực hiện việc tạo kế sinh nhai cho người dân sau khi di dời. Ông dẫn chứng tại Đà Nẵng, nhiều hộ gia đình sau khi di dời khỏi nơi ở cũ đã được chính quyền bố trí cho các ki ốt mới để kinh doanh, buôn bán tại các khu vực mặt đường hoặc ở các khu chợ mới thành lập.

Chính vì tạo được an sinh xã hội tốt, nên Đà Nẵng đã có thể dễ dàng giải phóng mặt bằng và quy hoạch hiện đại thành một thành phố đáng sống”, ông Võ nhấn mạnh.

Góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Nguyễn Văn Mạnh, nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng cho rằng: “Dự thảo có nhiều quy định quan tâm đến lợi ích của người bị thu hồi đất. Nhưng theo tôi chưa rõ ở chỗ ai sẽ là người thực hiện. Ví dụ như nông dân bị thu hồi đất thì tổ chức lớp học nghề và kinh phí ấy ai chịu. Theo tôi kinh phí ấy chủ dự án phải chịu. Trước đây quy định như vậy nhưng trong thực tế thực hiện rất hình thức hoặc không thực hiện. Người dân bị thu hồi đất chỉ đi khắp nơi mà không ai để ý, mặc dù luật có quy định".

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã nhấn mạnh việc đảm bảo thu nhập, kế sinh nhai cho người bị thu hồi đất, nhưng khi cụ thể hóa, cần có quy định rõ ràng, đảm bảo khả thi, nếu không có thể gây ra tình trạng chây ì trong giải phóng mặt bằng.

Ngọc Vy

Tin mới