Sáng 9/5, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 3 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết của Quốc hội; xem xét đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính.
Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau khi Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết để Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức lấy ý kiến của nhân dân. Theo báo cáo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan, đã có trên 12 triệu lượt ý kiến đóng góp về dự án luật rất quan trọng này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
"Hiện nay có một số vấn đề lớn, khó như vấn đề về tài chính đất đai và phương pháp định giá đất. Qua theo dõi đến nay vẫn còn rất khó khăn. Quy định như thế nào để đảm bảo tính khả thi, khi luật ban hành ra có thể vận hành được", ông Vương Đình Huệ nói và nhấn mạnh đây cũng là nội dung được đưa ra từ khi bắt đầu chủ trương thể chế hóa Nghị quyết 18 của Trung ương về chính sách pháp luật về đất đai.
Một vấn đề khác mà Chủ tịch Quốc hội lưu ý là dự án Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến khoảng hơn 100 dự án luật khác và tác động trực tiếp đến 22 dự án luật. Trong đó có một số dự án luật đang được trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 5 hoặc cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 như dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)...
Về dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu cho ý kiến về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các nội dung căn cứ vào thực tiễn hoạt động của các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng hiện nay, việc tái cơ cấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu, xử lý tình trạng sở hữu chéo; quản lý tài sản đảm bảo; vấn đề thanh tra, kiểm tra, giám sát; những nội dung cần luật hóa từ Nghị quyết 42 của Quốc hội…
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là dự án nhận được sự quan tâm của công dân Việt Nam ở trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua theo thể thức rút gọn nên càng phải được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan đóng góp thêm ý kiến sâu về dự án luật này để hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam và người nước ngoài xuất nhập cảnh vào Việt Nam trong quan hệ với nước ngoài, vừa đảm bảo an ninh chủ quyền quốc gia vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Liên quan đến đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính, ông Vương Đình Huệ cho hay, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp lần thứ 22, đại biểu Quốc hội đã hoàn thiện hồ sơ và có tờ trình mới đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính trước đây là tên mà đại biểu đề xuất là Luật Bản dạng giới.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem xét, cho ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng dự án luật nêu trên, nhất là về sự cần thiết các chính sách lớn và đánh giá tác động của chính sách được đề xuất để có quyết định phù hợp nhất.
Nhóm vấn đề thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5 của Quốc hội để xem xét nội dung của chương trình kỳ họp. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, dự kiến kỳ họp tới chương trình họp là rất nặng, tính riêng chương trình xây dựng luật và pháp lệnh có đến 20 dự án luật và dự thảo nghị quyết.
"Do đó, cần phải có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng để thuyết phục được Quốc hội, các cơ quan phải tập trung cao độ đảm bảo cho kỳ họp hoàn thành với nội dung tốt nhất", Chủ tịch Vương Đình Huệ nói.
Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhóm vấn đề thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cho ý kiến đối với 3 nội dung thuộc thẩm quyền bao gồm: dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2030 nhằm tiếp tục triển khai thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ theo từng giai đoạn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sử dụng kinh phí để mua bù một số mặt hàng trong dự trữ quốc gia. Và theo thông lệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo công tác dân nguyện Quốc hội tháng 4.
Nêu rõ với khối lượng công việc lớn của phiên họp, thời gian khẩn trương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị từng Ủy viên Thường vụ Quốc hội phát huy tinh thần từ đầu khóa đến nay nghiên cứu kỹ không chỉ lĩnh vực mình phụ trách mà còn góp ý cho cả những lĩnh vực liên quan để đóng góp chung vào công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
"Các cơ quan của Chính phủ, cơ quan hữu quan cần phải bám sát lịch trình, cung cấp tài liệu kịp thời, cử cán bộ có trách nhiệm tham dự các cuộc họp để đảm bảo cho chất lượng của phiên họp đạt kết quả tốt nhất", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.