Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Điều nào viết vào Luật Đất đai thì phải làm được

Điều này được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh khi giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), sáng 7/4.

Điều viết vào thì phải thực hiện được

Giải trình và tiếp thu ý kiến đại biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng tình với quan điểm nguyên tắc bồi thường, tái định cư thì điều kiện sống, sản xuất phải đáp ứng được ít nhất bằng trước đây. Dự thảo trước đây đề cập đảm bảo thu nhập tốt hơn nhưng điều này là khó vì phụ thuộc năng lực và thu nhập cũng không phản ánh đầy đủ cuộc sống.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

“Viết vào mà không làm được sẽ sinh khiếu kiện. Nên điều viết vào thì phải làm được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Đồng thời, Phó Thủ tướng lưu ý khi đưa ra kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì phải đưa ra được quy hoạch tái định cư. Dự án tái định cư phải đi trước, tránh thu hồi hết đất rồi, đưa người dân ra đường rồi mà chưa biết tiền ở đâu là không khả thi và chắc chắn không tốt. Hơn nữa, dự thảo thiết kế nhiều hình thức cho người có đất bị thu hồi lựa chọn, từ đền bù tiền, đất cho đến tái định cư. Nếu đất thu hồi thực hiện dự án thương mại, nhà ở thì phải tạo điều kiện cho người dân bị thu hồi đất được tiếp cận.

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng nghĩ đến việc cần một quỹ hỗ trợ người bị mất sinh kế khi đất bị thu hồi; bao phủ chính sách cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. “Phải lo được cho người yếu thế thì mới đạt mục tiêu”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Tái định cư phải có trước thu hồi đất

Trong phần thảo luận trước đó, liên quan đến nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng, trước đây có điểm rất tốt nhưng hiện chưa đưa vào bản dự thảo mới nhất.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân

Dự thảo trước có nêu “việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”, theo ông Huân là khó định lượng được. Tuy nhiên, nếu thể hiện “có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thì hoàn toàn có thể.

“Không nhất thiết “cuộc sống tốt hơn” là phải thu nhập tốt hơn. Có những người sống ở ven sông, kênh rạch, người ta thu nhập tốt nên khi di dời vào đất liền làm vườn, nuôi trồng, thu nhập không bằng nhưng cuộc sống tốt hơn, ổn định hơn, con cái được đến trường. Cuộc sống tốt hơn không nhất thiết căn cứ vào thu nhập mà còn nhiều chỉ tiêu khác”, ông Nguyễn Quang Huân phân tích.

Ông cũng băn khoăn nguyên tắc đền bù theo giá thị trường vì khó xác định. Nghị quyết 18 của Trung ương nêu đền bù theo nguyên tắc thị trường và khác với giá thị trường. Một số tổ chức quốc tế dùng cách đền bù tiếp cận giá thị trường chứ không nói chính xác theo giá thị trường.

“Nhiệm vụ của chúng ta là thể chế hoá, đưa vào thực tiễn. Không nên vì nhiều tranh luận mà bỏ ra khỏi dự thảo luật”, ông Huân nêu quan điểm.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) thì đặt vấn đề: “Nói hỗ trợ tái định cư cần có chỗ ở tốt hơn nơi ở cũ thì tốt hơn như thế nào? Tôi đang ở mặt tiền, thu nhập bình quân hàng tháng rất nhiều tiền, sau đó vào khu tái định cư tiền không bằng thì sao nói là có chỗ ở tốt hơn được?".

Đại biểu Phạm Văn Hoà

Chính vì vậy, ông cho rằng nơi tái định cư phải bảo đảm hoàn thiện các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt, người tái định cư được quyền chọn chỗ ở trên địa bàn cùng cấp quận, cấp huyện hay cấp tỉnh. Người ta mất đất thì được quyền chọn chỗ ở…

Vị đại biểu này cũng nhấn mạnh trước khi có quyết định phê duyệt thu hồi đất thì cần có khu tái định cư trước để người dân ổn định nơi ở.

Ngọc Thành (VOV.VN)

Tin mới