Trình bày tờ trình, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ngày 18/10/2024, Chính phủ đã ký Tờ trình số 678 gửi Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dữ trữ quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đối với Luật Chứng khoán, theo ông Hồ Đức Phớc, nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định như quy định về: Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; chào bán chứng khoán ra công chúng; chào bán chứng khoán riêng lẻ; công ty đại chúng.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Quốc hội)
Hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin, dự luật đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; hủy bỏ đợt chào bán.
Việc sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán với mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện được hoạt động bù trừ, thanh toán các giao dịch chứng khoán trên thị trường theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội nhất trí sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án luật nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực Nhà nước, ngoài Nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Đối với Luật chứng khoán, về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, cơ quan thẩm tra nhất trí việc bổ sung nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức, cá nhân nước ngoài để tạo thuận lợi, tăng cường thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam, thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển và mở rộng kênh dẫn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất của Chính phủ quy định theo hướng nhà đầu tư được tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát điều kiện đối với doanh nghiệp phát hành phù hợp với tình hình thị trường, bảo đảm phát triển bền vững thị trường, bảo vệ nhà đầu tư cá nhân khi tham gia vào thị trường.
Về điều kiện và hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng, cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 3 Điều 15 của Luật hiện hành theo hướng một trong các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng là đáp ứng quy định của Chính phủ về đại diện người sở hữu trái phiếu, hệ số nợ, giá trị phát hành trên vốn chủ sở hữu và có xếp hạng tín nhiệm.
Tuy nhiên, quy định về xếp hạng tín nhiệm đã có từ luật hiện hành nhưng đến nay việc triển khai chưa đạt hiệu quả cao, số lượng các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm còn hạn chế, đề nghị Chính phủ cần đẩy mạnh việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành, tiến tới xếp hạng tín nhiệm về trái phiếu phát hành như một số nước (như Indonesia, Malaysia, Thái Lan...) để bảo đảm tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành.