Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chặt cây phượng vô tội vạ, tiện cho trường nhưng thiệt cho ký ức học trò

(VTC News) -

Đốn hết phượng trong sân trường cho nhẹ đầu, cách này rất tiện cho người thực thi, nhưng đau cho loài phượng, thiệt cho thế giới tinh thần của học trò biết bao.

Tôi choáng váng khi thấy trên báo chí và mạng xã hội hàng loạt hình ảnh cây phượng bị chặt, bị đốn la liệt trên sân trường. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là đâu phải lỗi của phượng, sao người ta có thể vội vàng, tùy tiện khai tử chúng như vậy?

Trước đó, do tai nạn đau lòng xảy ra ở TPHCM – cây phượng đổ đè chết một học sinh và làm hàng chục em khác bị thương – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên nhà trường, liên hệ với cơ quan cây xanh, môi trường đô thị để kiểm tra, cắt tỉa, xử lý các cây nguy hiểm, có nguy cơ gãy đổ.

Hàng loạt cây phượng sân trường bị đốn sau tai nạn ở Trường THCS Bạch Đằng, TP.HCM. (Ảnh: Internet)

Thật vô lý khi chỉ đạo rất đúng đắn này lại được một số trường thực hiện một cách “triệt để” đến mức “đuổi tận giết tuyệt” cây phượng. Đây là loài cây quen thuộc có mặt ở rất nhiều, nếu không muốn nói là phần lớn sân trường Việt Nam, gắn bó với bao nhiêu thế hệ học trò, đi vào thơ ca nhạc họa.

Phượng không chỉ cho hoa đẹp, cho bóng mát mà còn đi vào ký ức mỗi người như biểu tượng của một thời đèn sách, gắn với tình thầy trò, tình bạn, tình yêu đầu đời. Vậy mà đùng một cái, phượng bị nhiều trường khai tử. Nếu được quyền nói, chúng sẽ kêu oan rằng trong hàng nghìn cây phượng tại trường học, có bao nhiêu cây gây họa cho học sinh, sao phải “tru di” chúng như vậy? Và nếu có vài cây gây họa, lỗi phải chăng thuộc về loài phượng?

Tôi không nghĩ các trường hiểu lầm chỉ đạo của Bộ trưởng, chẳng qua họ nghĩ mình làm “mạnh tay” hơn cũng chẳng sao. Thay vì phải kiểm tra xem cây nào đáng để, cây nào cần đốn, người ta xác định đốn cả cho nhẹ đầu, nhỡ ra có việc gì thì đỡ phải chịu trách nhiệm.

Cách làm này quả thật rất tiện cho người thực thi, nhưng đau cho loài phượng, thiệt cho thế giới tinh thần của học trò biết bao. Các lứa học trò từ đây trở về trước sẽ ngậm ngùi vì hình ảnh lửa phượng sân trường lùi vào dĩ vãng, còn các thế hệ học trò tương lai khi bắt gặp phượng trong thơ, trong nhạc sẽ phải tra cứu tư liệu mới có thể hình dung, học trò gặp đề văn tả phượng phải lên Google search tìm kiếm….

Rất may là mới chỉ có một số trường “truy sát” phượng, nhưng như vậy chẳng phải đã có hàng trăm học trò đau lòng rồi sao?

Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến tại box bình luận phía dưới.

 

Thúy Nguyễn (Độc giả)

Tin mới