Những ngày gần đây, dân mạng liên tục chia sẻ hình ảnh cây phượng bị niêm phong, đốn hạ với tâm trạng xót xa bởi "phượng vô tội". Sự việc này xảy ra sau sự cố phượng đổ đè chết một học sinh cấp 2 ở TP.HCM. (Ảnh: MXH).
Không ít tường vội vàng cho cắt tỉa toàn bộ cành, thậm chí đốn hạ cả cây phượng khiến khung cảnh sân trường hoang tàn, giống như vừa trải qua trận bão lớn. Có cây trơ trụi không còn cành nhánh làm ai cũng xót xa. (Ảnh: Tiền Phong).
Hình ảnh cây xanh trong sân trường trơ trụi được dân mạng chia sẻ và bày tỏ thái độ bực tức khi các trường quá lạm dụng việc cắt tỉa, đốn hạ. (Ảnh: MXH)
Một tài khoản tên Hoàng Phương ủng hộ việc các trường kiểm tra kỹ lưỡng, cắt tỉa hoặc cần thiết là chặt cây phượng già cỗi, đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh. "Chúng ta cần tính đến phương án thay thế cây xanh trong học đường bằng những loại cây có bộ rễ vững chắc hơn, cành chắc chắn không giòn dễ gãy như cây phượng", chị nói. (Ảnh: VOV).
Ngược lại, cô Lê Thị Mai, trường Tiểu học Chu Văn An, Hà Nội lo lắng nếu các trường tiếp tục cắt tỉa, đốn hạ cây phượng theo cách thiếu tính toán như vậy sẽ khiến sân trường không còn rợp bóng mát, những cây phượng đỏ thắm sẽ chỉ là dĩ vãng trong ký ức đời học sinh (Ảnh: VOV)
Trường THCS Trần Phú (Đắk Lắk) quây dây cách ly quanh cây phương để tránh học sinh tới gần. Bức ảnh sau khi chia sẻ thu hút gần 90.000 lượt cảm xúc; 4.000 bình luận và hàng nghìn lượt chia sẻ. Đại diện trường không thông tin về việc có chặt hạ cây hay không, nhưng cho biết việc này để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên. (Ảnh: Báo Gia Lai).
Không chỉ cây phượng, hình ảnh một số cây xanh bị cắt xẻ, chỉ còn thân cây cũng khiến nhiều người giật mình. "Những cây xanh vốn cho học sinh bóng mát, được vui đùa dưới tán cây khi hè về thì giờ đây vô tình trở thành kể tội đồ bị cắt bỏ đến xót thương", cô giáo Nguyễn Phương Thảo, trường Tiểu học Nguyễn Trãi chia sẻ.
Theo PGS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị (Đại học Lâm nghiệp), cây phượng sinh trưởng nhanh, thân và cành rất mềm, dễ bị mục ruỗng. Đặc biệt, rễ cây ăn nổi, dễ bị hỏng khi trồng và bảo vệ không đúng cách. Vì vậy, chỉ khoảng 30 năm, cây thường có vấn đề về gốc rễ, dễ bật gốc. "Không phải chỉ cây phượng, với cách trồng, lát sân trường, xây bồn bảo vệ cây sai cách như ở nhiều trường hiện nay, bất kỳ cây nào cũng có nguy cơ bị bật gốc". (Ảnh: VnExpress).