Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 20/3, đề cập đến việc bồi thường người bị oan, bị thiệt hại trong tố tụng rất chậm, nhiều người đã qua đời vẫn chưa được nghe lời xin lỗi, đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đề nghị Chánh án TAND Tối cao cho biết nguyên nhân và giải pháp.
Đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai)
"Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước là tạo điều kiện cho người bị oan trực tiếp nghe xin lỗi và được bồi thường chứ không phải con cháu của họ", đại biểu nhấn mạnh.
Trả lời đại biểu, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình thừa nhận thực tế trên và cho biết các vụ oan sai thường xảy ra 30-40 năm trước do một thời chất lượng điều tra, truy tố, xét xử chưa cao. Vì vậy, nhiều người được bồi thường đã rất già hoặc đã chết.
Giải thích về lý do bồi thường oan sai chậm, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng do các quy định pháp luật hiện hành và "toà không vượt qua được luật".
"Về trách nhiệm của mình, chúng tôi rất chia sẻ với những trường hợp bị oan, sai và luôn mong muốn sửa sai cho nhanh, bồi thường cho nhanh vì thiệt hại với họ là rất lớn. Nhưng quy định của luật thì phải theo chứ tòa không thể tùy nghi chi cho người này 1 tỷ, người kia 2 tỷ", người đứng đầu ngành tòa án nói và mong các ĐBQH chia sẻ việc này.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.
Cũng tại phần chất vấn, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà) cho biết từng nhận được phản ánh của luật sư là khi chụp hồ sơ tại toà thấy biên bản họp giữa ba ngành Toà án, Viện Kiểm sát và Công an.
"Xin hỏi Chánh án, giờ có còn hiện tượng ba ngành họp với nhau không? Tại sao ba ngành phải họp bàn thống nhất với nhau? Họp như vậy có đảm bảo tính độc lập xét xử của toà án, có ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can bị cáo không?", ông Đỗ Ngọc Thịnh nêu hàng loạt câu hỏi.
Trả lời nội dung này, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết, với vụ án lớn, phức tạp, các cơ quan tố tụng vẫn họp với nhau nhưng không ảnh hưởng đến tính độc lập xét xử của toà án.
"Họp liên ngành để bàn giao tài liệu, thống nhất lộ trình, thời gian xét xử, chứ không phải là bàn về tội danh, mức phạt, mức án hay vấn đề gì cả", ông Nguyễn Hòa Bình cho hay.
Chánh án TAND Tối cao khẳng định việc họp liên ngành ở các vụ án là "sự phối hợp cần thiết để tổ chức phiên tòa đúng người, đúng pháp luật. Không có chuyện bàn với nhau là ông này bao nhiêu năm, ông kia bao nhiêu năm tù, hay thu của ông này cái gì".
"Việc này không ảnh hưởng đến quá trình độc lập xét xử của toà án", ông Nguyễn Hòa Bình nói thêm.