Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ông Nguyễn Hòa Bình: Có thẩm phán mang cả tivi nhà lên tòa để xét xử trực tuyến

(VTC News) -

Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, ngành Tòa án còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, có thẩm phán mang cả tivi của gia đình lên tòa để xét xử trực tuyến.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn về kết quả triển khai Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, xét xử trực tuyến đảm bảo công lý thực thi không chậm trễ. Trong đó, những người ở xa, có bệnh cũng được tham gia phiên tòa. Việc này sẽ tiết kiệm cho xã hội rất lớn, nhất là án hình sự phải dẫn giải bị can, bị cáo quãng đường dài.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hòa Bình nhìn nhận, khó khăn trong xét xử trực tuyến là tất cả tòa án phải tận dụng cơ sở vật chất hiện có. "Thậm chí có thẩm phán mang cả ti vi ở nhà lên để xét xử”, ông Nguyễn Hòa Bình nêu.

Cũng theo người đứng đầu ngành Tòa án, xét xử trực tuyến, nhất là án hình sự, không chỉ cần trang bị cho tòa án mà phải trang bị hạ tầng, cơ sở vật chất cho trại giam. Nhất là với đối tượng nguy hiểm ngồi trong trại thì có khó khăn rất lớn.

Vì vậy, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị cấp thẩm quyền duyệt gấp chương trình xây dựng cơ sở vật chất cho xét xử trực tuyến.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng theo ông Nguyễn Hòa Bình, sau khi có nghị quyết của Quốc hội, ngành Tòa án đã hướng dẫn triển khai, tổ chức tập huấn, yêu cầu tất cả địa phương có phiên tòa trực tuyến mẫu để tham khảo. 

"Hiện nay chúng tôi cũng trang bị một phần để xét xử trực tuyến, kết quả đã xử hơn 5.400 vụ trực tuyến và 647 tòa án ở 63 tỉnh và hơn 500 huyện xét xử trực tuyến", Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho hay.

Cũng tại phần chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu vấn đề, thời gian qua, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) nhiều lần gửi văn bản cho lãnh đạo Quốc hội đề nghị ban hành luật tư pháp cho người chưa thành niên.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy hỏi: "Vậy việc ban hành đạo luật này có khắc phục được bất cập trong giải quyết các vụ án liên quan người chưa thành niên hay không?".

Trả lời câu hỏi này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, dự án luật này đang được TAND Tối cao trình cấp có thẩm quyền. Hiện có 10 luật khác nhau quy định các điều khoản liên quan người chưa thành niên, nhưng xu hướng thế giới có đạo luật chuyên biệt cho đối tượng này vì có đặc thù riêng.

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, việc xây dựng đạo luật riêng là rất cần thiết, thể hiện cam kết của Việt Nam về bảo vệ quyền trẻ em. Ở Đông Nam Á, 9 nước có đạo luật riêng cho người chưa thành niên và tư pháp thế giới có nhiều giải pháp nhân đạo cho đối tượng dễ tổn thương này.

Anh Văn

Tin mới