Từ lâu chân gà cũng là món ăn, vị thuốc tốt cho sức khỏe. Còn đậu phộng cũng chứa nhiều dinh dưỡng. Vậy, chân gà hầm đậu phộng có tác dụng gì?
Chân gà hầm đậu phộng có tác dụng gì?
Bài viết trên Báo Sức khỏe & Đời sống cho biết, Đông y gọi chân gà là kê cân, có công năng tính vị: vị ngọt, tính bình, hơi ấm, không độc. Tác dụng: mạnh sinh lực, cường gân cốt, dùng chữa các bệnh về gân xương, yếu sinh lý, tăng lực cho nam, phụ, lão, ấu rất tốt.
Trong các loại chân gà thì: chân gà rừng, gà chọi, gà chân đen là quý nhất, sau đó đến các loại gà nuôi thả tự kiếm mồi, (phải dùng chân để bới móc tìm mồi) được coi là tốt, vì nó được tôi luyện, tích trữ năng lượng thường xuyên ở gân (gân gà có nhiều nhất ở cẳng chân sau đó đến xương quay 2 cánh).
Chân gà còn có tác dụng chữa: Trẻ chậm biết đi, chậm mọc răng. Người chân tay run, đi không vững, yếu sinh lý, kém ăn, mệt mỏi. Phụ nữ ngực lép, da khô.
Lạc hầm chân gà là món ăn bổ dưỡng.
Da chân gà chứa collagen là loại protein dính như keo. Các acid amin: prolin, glycin, hydrosiprolin, argynin, glycin.
Gân gà có các bó sợi collagen chiếm 80%, elastin, tế bào và chất nền gồm chondroitin, proteoglycan và glucoprotein.
Xương chân gà (cũng như xương các động vật khác khi được hầm nhừ) có hydroxyapatite ở phần xương bên trong, tác dụng làm chắc khỏe cho lớp xương bên ngoài, canxi và nhiều khoáng chất hữu ích.
Chuyên trang của Báo Tri thức và Cuộc sống cho biết, theo nghiên cứu khoa học hiện đại, lạc chứa 45 - 50% dầu béo, 30% nitơ, 18% tinh bột, 5% xenlulo, 8% là nước, 2% muối vô cơ.
Ngoài ra, còn có các vitamin nhóm B. Lạc (đậu phộng) ăn khi còn tươi người ta thường luộc, đến khi khô hay rang húng lìu, giã vừng với lạc, lạc nấu canh dưa, lạc làm nộm…
Lạc vị thơm và béo ngậy, là thực phẩm chay của những phật tử, ăn lạc rất tốt cho sức khoẻ, nhiều dinh dưỡng lại dễ chế biến, lạc còn có tác dụng chữa nhiều bệnh.
Theo tài liệu Đông y, hạt lạc có vị ngọt không độc, tác dụng an tâm, bổ tỳ, kiện vị, làm cho ta mát phổi tiêu đờm, tăng sức đề kháng, điều hòa khí huyết, trừ đờm chống ho. Lớp vỏ mỏng của lạc còn có tác dụng kích thích tủy xương, tạo tiểu cầu trong máu, chống xuất huyết và bền vững thành mạch. Bạn có thể dùng một số món ăn bổ dưỡng từ lạc sau đây.
Bài 1: Lạc nhân hầm chân gà: Lạc nhân 100g, chân gà 6 cái. Rửa sạch lạc để lớp vỏ đỏ, chân gà làm sạch rửa kỹ, tuốt hết móng. Hai vị này cho vào nồi với 1 lít nước ninh thật nhừ, khi chín nêm gia vị ăn cả nước và cái trong ngày. Tuần ăn 3 lần. Món canh này giúp cho xương chắc khỏe, đi không run, tay cầm nắm chật được, da dẻ hồng hào.
Bài 2: Canh chân gà với lạc nhân: Chân gà 10 cái, lạc nhân 50g, gừng lát mỏng 5g, rượu 20g, hành 10g, mỡ gà, muối tinh, mì chính vừa đủ. Chân gà chặt bỏ móng, bóc da rửa sạch cho rượu gừng nước vào đun 1/2 giờ rồi cho lạc vào, cho vừa gia vị, đun nhỏ lửa, hầm 1,5 giờ - 2 giờ. Sau đó cho hành mì chính, tưới mỡ gà, múc lên bát ăn nóng. Công dụng: tăng khả năng tình dục cho nam giới.