Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cấp tập sản xuất từ đầu năm, doanh nghiệp tung đủ chiêu tuyển nhân sự

(VTC News) -

Việc chuẩn bị chiến lược cho năm mới 2023 kéo theo nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng mạnh, nhưng nhiều đơn vị rơi vào cảnh đỏ mắt tìm người.

Sau Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp gấp rút tuyển công nhân, bù đắp một lượng lớn người đã rời đi. Nhưng dù đã chào mời bằng đủ chính sách đãi ngộ, doanh nghiệp vẫn khó tìm được người.

Nhu cầu tuyển cực lớn

Tại Tổng công ty May 10, sau Tết Nguyên đán, 12.000 lao động đã bắt tay ngay vào sản xuất, với mục tiêu đạt doanh thu 4.500 tỷ đồng trong năm 2023 khi tín hiệu thị trường rất tích cực, nhiều đơn hàng đã quay trở lại. Để đáp ứng yêu cầu từ các đơn hàng của đối tác, May 10 đang tuyển 600-700 công nhân cho nhà máy ở Hà Nội.

Tương tự Công ty TNHH hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam cũng đang gấp rút tìm người. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Hành chính nhân sự, cho biết, từ sau kỳ nghỉ Tết, hơn 20% lao động đã rời đi. Để kịp hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, doanh nghiệp phải tuyển dụng gấp khoảng 200 lao động với nhiều đãi ngộ như lương khởi điểm từ 7 triệu đồng/tháng, sau một tháng thử việc được nhận chính thức; không cần tay nghề, kinh nghiệm…

"Trong năm nay, chúng tôi dự kiến tuyển khoảng 2.000 lao động mới. Riêng trong tháng 2-3, chúng tôi tuyển gấp khoảng 200 lao động cho nhà máy ở Nam Định và 100 cho nhà máy ở Hà Nam", bà Hằng nói.

Nhu cầu tuyển nhân sự mới của doanh nghiệp dịp đầu năm mới rất lớn. (Ảnh minh họa)

Tại các tỉnh thành phía Nam, hàng loạt doanh nghiệp cũng đang bận rộn tuyển lao động với số lượng trung bình từ 200 - 1.000 công nhân/doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Cafatex (Quận 7, TP.HCM), có nhà máy tại tỉnh Hậu Giang cho biết, doanh nghiệp hiện có hơn 500 công nhân chuyên thu mua, chế biến thuỷ sản xuất khẩu sang thị trường châu Âu với thu nhập bình quân 5- 8 triệu đồng/người/tháng. Năm 2023, nhu cầu xuất khẩu thủy hải sản sang thị trường này lớn, đồng thời doanh nghiệp tiếp tục xây dựng kho đông lạnh có sức chứa 100.000 tấn thay cho hai kho chứa 25.000 tấn như hiện tại. Do vậy doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lớn với khoảng 200 công nhân.

Đỏ mắt chờ người

Trở lại làm việc từ mùng 9 Tết, đến nay đã khoảng 20 ngày nhưng kế hoạch tìm nhân sự mới của Công ty Sumi vẫn chưa có kết quả khả quan. Bà Hằng tiết lộ, lãnh đạo doanh nghiệp đã liên hệ với nhiều trung tâm giới thiệu việc làm, tham gia những sàn tuyển dụng, nhờ người quen giới thiệu…đặc biệt còn phối hợp với các trường nghề tiếp nhận sinh viên thực tập để sẵn sàng đào tạo tại doanh nghiệp và trả lương thực tập đầy đủ. 

"Cùng với những chính sách đãi ngộ phù hợp, chúng tôi hy vọng việc tuyển lao động sẽ thuận lợi hơn để phần nào bù đắp được số lượng thiếu hụt”, bà Hằng nói.

Dù tìm đủ mọi cách truyền thông, tung chính sách thưởng, nhưng vẫn khó thu hút lao động

Ông Lê Văn Đảm, TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương Việt Nam (Hà Đông, Hà Nội)

Tương tự, một cán bộ phụ trách về nhân sự - đối ngoại của Công ty Honda Việt Nam tại Hà Nam cho biết, Honda hiện có hơn 12.000 cán bộ, công nhân làm việc cho toàn hệ thống Honda miền Bắc.

“Riêng tại Hà Nam, chúng tôi đang có nhu cầu tuyển dụng 400 công nhân nam để làm công đoạn sản xuất, lắp ráp xe máy với mức lương khởi điểm 6,8 triệu đồng, chưa kể làm tăng ca, tăng giờ và các chế độ phúc lợi khác. Nếu người lao động có tay nghề thì được hưởng mức lương khởi điểm cao hơn, còn chưa có tay nghề, kinh nghiệm thì chúng tôi đào tạo. Tuy nhiên, đến nay việc tuyển dụng lao động vẫn rất khó", vị này cho biết.

Ông Lê Văn Đảm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương Việt Nam (Hà Đông, Hà Nội) thì cho hay, doanh nghiệp đang cần tuyển 100 công nhân mới, nhưng giờ mới chỉ tuyển được 20 người. "Dù tìm đủ mọi cách truyền thông, tung chính sách thưởng, nhưng vẫn khó thu hút lao động", ông Đảm nói.

Nói về việc các doanh nghiệp gặp khó trong tuyển dụng lao động, ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam lý giải, hiện các tỉnh, thành đều có khu công nghiệp nên người lao động có xu hướng chuyển dịch về khu vực gần nhà để làm việc. Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư vào Việt Nam những năm qua tăng trưởng mạnh, các nhà máy ngày càng mọc lên thì nhu cầu lao động sẽ tăng theo. Do vậy muốn tuyển dụng lao động về khu tập trung cũng không còn dễ dàng như trước.

Năm 2023, nhu cầu tuyển dụng lao động mới của các khu công nghiệp ở tỉnh Hà Nam khoảng 15.000 người do một số doanh nghiệp mới chuẩn bị đi vào hoạt động và một số thì tăng công suất, mở rộng quy mô.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh Hà Nam và Ban quản lý các khu công nghiệp đã đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền trên các cái kênh thông tin về nhu cầu tuyển dụng.

Tỉnh cũng đang quy hoạch, xây dựng các khu nhà ở xã hội và công nhân, để lao động từ địa phương khác đến làm việc có chỗ ở ổn định. Ngoài ra, xây dựng đề án tổ chức các chuyến xe bus đưa đón công nhân, người lao động từ các huyện, các tỉnh như Hòa Bình, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương…để đưa đón công nhân đi về, còn doanh nghiệp hỗ trợ tiền xe.

Với những chính sách đãi ngộ, chúng tôi hy vọng sẽ dần tháo gỡ được khó khăn trong tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp”, ông Kiên nói.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dự báo năm 2023, các khu công nghiệp trên cả nước cần tuyển dụng mới khoảng 400.000 lao động. Để gỡ khó cho các doanh nghiệp, Bộ đã có phương án kết nối cung - cầu lao động giữa người lao động và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động.

PHẠM DUY

Tin mới