Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Doanh nghiệp tăng tốc đầu năm

(VTC News) -

Ngay sau Tết Nguyên đán, hàng loạt doanh nghiệp tất bật với những công việc, đơn hàng đầu tiên trong năm 2023, hướng đến chinh phục những nhiệm vụ mới.

Tại tỉnh Bến Tre, Khánh Hòa và Đắk Lắk, hàng nghìn công nhân của Công ty Cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu đang hối hả sản xuất, gia công chế biến sầu riêng, xoài, mít...cho chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên trong năm mới sang thị trường Mỹ, Nhật, Úc, châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, New Zealand…

Trả lời VTC News, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc công ty, cho biết, năm 2022, doanh nghiệp đã xuất khẩu được 300.000 tấn trái cây các loại. Trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các hoạt động giao dịch, kết nối với khách hàng quốc tế vẫn được duy trì. Nhờ đó, công ty liên tiếp có được những đơn hàng mới và ra quân đầu năm với khí thế sôi nổi.

"Hiện nay tuy số lượng đơn hàng cho cả năm 2023 chưa nhiều nhưng ngay từ mùng 6 Tết, chúng tôi đã tăng cường thêm hơn 20% nhân sự để tăng tốc thu mua, chế biến, đóng gói các sản phẩm hoa quả nhằm giao kịp cho đối tác. Năm 2023, chúng tôi đã lên mục tiêu đạt lượng hàng xuất khẩu tăng ít nhất gấp đôi so với năm ngoái", bà Vy chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đặt mục tiêu lớn trong năm mới 2023. (Ảnh minh họa: Bnews)

Tương tự, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang trong quá trình tăng tốc ngay từ đầu năm, với nhận định năm 2023 sẽ hứa hẹn những thời cơ, vận hội, tâm thế mới khi kinh tế thế giới được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ, tác động tích cực đến thị trường và doanh nghiệp trong nước.

Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp) cho biết, với mục tiêu tăng 20% sản lượng và doanh thu trong năm 2023, ngay sau kỳ nghỉ Tết, doanh nghiệp đã bắt tay ngay vào sản xuất cho những đơn hàng mới. Hiện toàn bộ hơn 400 công nhân đang thực hiện các khâu để kịp tiến độ xuất hàng cho đối tác. 

Không chỉ ở phía Nam mà các doanh nghiệp ở phía Bắc cũng tăng tốc sản xuất để đạt mục tiêu đề ra trong năm 2023. Ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH thủy sản Lenger Việt Nam (Nam Định) thông tin ngay trong tháng 1/2023, Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam đã xuất khẩu 157 container ngao đông lạnh.

"Đây là thành công tiếp nối kết quả khả quan mà doanh nghiệp đạt được trong năm 2022 với sản lượng trên 7.000 tấn sản phẩm (tương đương 286 container) ngao đông lạnh, đạt 14 tỷ USD. Đồng thời cũng là bước chạy đà cho năm 2023 nhiều thử thách", ông Nguyên nói.

Theo ông Nguyên, năm 2023, thị trường xuất khẩu dự kiến tiếp tục suy thoái. Trong năm vừa qua, doanh số đơn hàng tới châu Âu sụt giảm tới 90%. Để có thể tiếp tục giữ được thị trường này, doanh nghiệp đã thương lượng với khách hàng, chủ động giảm lãi suất, chủ động phương án sẵn sàng tăng công suất lên gấp đôi, phấn đấu sản lượng xuất khẩu đạt 400 - 500 container ngao đông lạnh.

Công ty cổ phần in & sản xuất bao bì Tuấn Dung tại cụm làng nghề Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) cũng đang hướng đến doanh thu năm 2023 tăng trưởng 20% so với năm trước. Năm 2022, doanh nghiệp này đã sản xuất 40 triệu sản phẩm (tăng 8% so với năm 2021), doanh thu đạt gần 200 tỷ đồng.

Còn đại diện Công ty Cổ phần May Sông Hồng cho biết, dự báo năm tới thị trường xuất khẩu dệt may còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng không khắc nghiệt như thời điểm đại dịch COVID-19. Với những doanh nghiệp có nền tảng tốt như May Sông Hồng, các đơn hàng năm 2023 đã được xác nhận cơ bản và dự kiến vẫn tăng trưởng ổn định.

Cùng với chủ trương tiết kiệm tối đa các chi phí, công ty tập trung quản lý chất lượng sản phẩm tốt hơn để tránh bị phạt tiền từ phía khách hàng, linh hoạt bố trí thời gian làm việc; ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo hướng tăng tự động hóa và thân thiện môi trường; đào tạo nâng cao đội ngũ thiết kế, phát triển mẫu... 

Nhận xét về tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam trong năm mới 2023, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, tại thời điểm này, COVID -19 đã cơ bản được khống chế nhưng kinh tế trên thế giới vẫn chịu ảnh hưởng của chiến sự Nga-Ukraine và những diễn biến suy thoái. Do vậy, doanh nghiệp trong nước cần chủ động tìm kiếm và đa dạng hóa các nguồn hàng nhập khẩu cũng như thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh.

Ông Hải cũng lạc quan dự báo, chúng ta có thuận lới rất lớn trong năm 2023, nhất là việc phát huy tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại để thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam sẽ giúp tăng nguồn vốn để chúng ta có thể tích cực sản xuất, giữ được nhịp của đà tăng trưởng xuất khẩu.

“Nhưng đây cũng là lúc mà các doanh nghiệp cần phải nhìn nhận lại để nâng cao tính cạnh tranh, thu hút lao động chất lượng cao, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và tăng cường sản xuất những sản phẩm mà khách hàng cần. Muốn làm được điều này, ngay từ những ngày đầu năm, các doanh nghiệp phải tích cực tăng tốc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để hoàn thành tốt nhất các đơn hàng với đối tác”, ông Hải tư vấn.

PHẠM DUY

Tin mới