Ông Trần Sỹ Trực, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hoàng Mai - doanh nghiệp sở hữu thương hiệu bánh kẹo Richy - cho biết, từ trước khi nghỉ Tết, doanh nghiệp đã thông tin đến toàn thể cán bộ, nhân viên về kế hoạch tập trung sản xuất ngay trong ngày khai xuân (mùng 6 Tết). Đúng thời điểm này, tại cụm Công nghiệp thị trấn Phùng (Đan Phượng, Hà Nội), hơn 2.000 công nhân của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hoàng Mai sẽ tề tựu để mọi hoạt động của doanh nghiệp được trở lại thường lệ, nhanh chóng đưa sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp ra thị trường sau Tết và xa hơn là mở rộng thị trường xuất khẩu.
Hiện Richy đã xuất khẩu sản phẩm đến 30 quốc gia, gồm cả những nước có quy định khắt khe về chất lượng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ...từng bước hiện thực hóa mục tiêu mang sản phẩm bánh kẹo Việt đến thị trường quốc tế, cạnh tranh với các thương hiệu thế giới.
“Trong năm 2023, chúng tôi đặt mục tiêu không ngừng đầu tư, cải tiến và sáng tạo. Từ các đơn hàng mà doanh nghiệp đã ký kết, theo tính toán, dự báo tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu năm 2023 khoảng 15-20% so với năm 2022, thu nhập người lao động tăng từ 7 - 10%", ông Trực nói.
Nhiều doanh nghiệp bắt tay vào kinh doanh, sản xuất ngay từ ngày đầu năm mới Quý Mão. (Ảnh minh họa)
Để đạt được mục tiêu đề ra, theo ông Trực, ngay từ trước kỳ nghỉ Tết nguyên đán, doanh nghiệp đã tổ chức họp, động viên cán bộ, công nhân viên, người lao động cần chủ động, tích cực đóng góp xây dựng mục tiêu của công ty, đồng thời nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng sản phẩm.
“Từ trước Tết, công ty đã nhận nhiều đơn hàng mới nên chúng tôi phải tập trung sản xuất sớm để đáp ứng cho khách hàng. Chúng tôi cũng mong các cán bộ, công nhân viên đoàn kết, nâng cao năng suất lao động để đáp ứng yêu cầu về đơn hàng của các đối tác, đồng thời tạo việc làm, thu nhập ổn định cho công nhân, người lao động trong năm mới 2023”, ông Trực nói thêm.
Tương tự, lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Quốc tế Thagaco (Đại Từ, Thái Nguyên) cũng thông tin về việc gần 3.000 lao động của doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu này sẽ đồng loạt ra quân trong ngày sản xuất đầu tiên của năm mới. Mặc dù doanh nghiệp mới đi vào hoạt động và sản xuất từ năm 2019 nhưng các sản phẩm do Thagaco sản xuất đã thâm nhập sâu vào thị trường EU và đang vươn ra nhiều nước khác ở châu Âu, châu Phi, châu Á.
Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty cho biết, đến thời điểm này, đơn hàng mở đầu năm 2023 của doanh nghiệp rất tốt. Nhiều khách hàng truyền thống của doanh nghiệp như Decathlon (Pháp), Nike (Mỹ)…đều đề nghị tăng đơn hàng.
“Năm 2023, Thagaco tiếp tục tập trung vào mảng gia công may mặc xuất khẩu; đồng thời ưu tiên vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Tân Dương (Định Hóa) với quy mô 13 ha và đầu tư nhà máy Thagaco Định Hóa. Tổng mức đầu tư vào hai dự án này khoảng 640 tỷ đồng”, ông Quân nói.
Chị Phạm Thị Phương Thảo, công nhân công ty này chia sẻ, tuy phải vất vả bắt tay vào công việc ngay từ đầu năm nhưng với người lao động, có nhiều việc để làm là niềm vui lớn nhất, vì hứa hẹn nguồn thu nhập ổn định, lạc quan.
“Chúng tôi mong một năm nhiều thuận lợi với doanh nghiệp để công nhân luôn có việc làm ổn định, có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống”, chị Thảo nói.
Trả lời VTC News, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, cũng cho biết, hầu hết doanh nghiệp hội viên đều khai xuân trong ngày 27/1 để ổn định lao động, sản xuất.
Theo bà Xuân, năm 2023 có nhiều dấu hiệu tích cực với ngành da giày ngay từ những ngày đầu Xuân Quý Mão. Thứ nhất đó là tín hiệu tích cực trong kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh đó là kế hoạch sản xuất, hợp tác của nhiều doanh nghiệp đã đủ đơn hàng của quý I/2023, thậm chí một số doanh nghiệp đã có đơn hàng cho cả quý 2/2023. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sẽ được triển khai.
Ngành da giày đón chờ một năm mới nhiều tín hiệu lạc quan. (Ảnh minh họa)
"Kế hoạch sản xuất ổn định nghĩa là thị trường thế giới ổn định, phục hồi tốt. Đây là tín hiệu tốt cho những ngày sản xuất đầu năm mới, đó cũng là khởi đầu cho một năm đầy triển vọng tươi đẹp", bà Xuân nói.
Cũng theo bà Xuân, cả ba thị trường lớn của ngành da giày Việt Nam là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đều đang phục hồi.
“Năm 2023, ngành da giày đặt hy vọng tăng trưởng mạnh ở thị trường châu Âu khi khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do. Để thực hiện được mục tiêu này, doanh nghiệp phải đầu tư đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động”, bà Xuân khuyến cáo.