Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cận cảnh 3 bảo vật quốc gia vừa được công nhận ở Bắc Ninh

(VTC News) -

Trong 27 bảo vật quốc gia mới được Thủ tướng công nhận, Bắc Ninh có 3 bảo vật là tượng Quan Thế âm chùa Cung Kiệm, thạp đồng văn hóa Đông Sơn và bia đá chùa Tĩnh Lự.

Chiêm ngưỡng 3 bảo vật quốc gia vừa được công nhận ở Bắc Ninh.

Thạp đồng văn hóa Đông Sơn hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Nam Hồng, TP Từ Sơn. Đây là sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn, phân bố chủ yếu tại vùng núi trung du và đồng bằng của các con sông lớn ở miền Bắc Việt Nam.

Căn cứ vào hình dáng, kỹ thuật chế tác và đặc biệt là hoa văn trang trí, thạp đồng này thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn có niên đại cách ngày nay 2.200-2.300 năm, thuộc thế kỷ 3-2 trước Công nguyên.

Điểm độc đáo của thạp đồng văn hóa Đông Sơn là hoa văn động vật trên các băng trang trí. Tiêu biểu, trong số này, tại băng thứ 21 có trang trí 14 con thú (giống chồn/cáo) nối đuôi nhau chạy ngược chiều kim đồng hồ. Thú có miệng dài, thân dài và cong, đuôi dài to, bốn chân có móng rõ ràng, phía sau đầu có bờm (mào) dài.

Hội đồng Di sản quốc gia đánh giá, đây là những con thú được đúc trong tư thế vận động. Điều này tạo cho người xem cảm giác đang chuyển động. Đó là nghệ thuật thể hiện động trong tĩnh, được nghệ nhân đúc đồng thời Đông Sơn vận dụng hiệu quả. Đây là chiếc thạp đồng Đông Sơn duy nhất hiện biết ở Việt Nam có trang trí băng hoa văn này.

Theo thống kê, hiện nay ở nước ta phát hiện được hơn 235 chiếc thạp đồng. Thạp đồng văn hóa Đông Sơn được công nhận bảo vật quốc gia vì là hiện vật gốc, độc bản, hoa văn sắc nét, độc đáo, được bố cục cân đối, hài hòa mang đặc trưng của văn hóa Đông Sơn.

Tượng Quan Thế Âm (chùa Cung Kiệm, xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ). Tượng Quan Thế Âm được tạo tác vào năm 1449, niên hiệu Thái Hòa thứ 7. Tượng được tạc trong tư thế ngồi tọa thiền bán kiết già, đầu đội mũ thiên quan, khoác áo thiên y, anh lạc đeo trước ngực hình hoa mai chín cánh. 

Đây là tượng Quan Âm duy nhất khắc minh văn trên cả thân và bệ tượng. Minh văn gồm 67 chữ, cung cấp thông tin về niên đại tạo tác, địa chỉ, những người công đức. Lưng tượng khắc 39 chữ Hán với nội dung: "Năm Kỷ Tỵ (1449) niên hiệu Thái Hòa thứ 7 triều vua thứ 3 nhà Lê. Các tín chủ ở xã Kiệm, huyện Vũ Ninh, lộ Bắc Giang Trung gồm: Đào Ngân, Nguyễn Thị Biên, Nguyễn Lăng, Đào Thị Điều, Nguyễn Bế/ Bé, Nguyễn Thị Thiểu".

Đây là hiện vật gốc, chất liệu đá mang tính độc bản duy nhất thời Lê Sơ còn sót lại. Pho tượng được tạo tác bởi những người thuộc tầng lớp bình dân ở địa phương thể hiện văn hóa Phật giáo đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân.

Ông Hoàng Minh Tuấn, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh cho biết, bức tượng này là tượng Quan âm duy nhất được khắc đầy đủ thông tin ở lưng và phần bệ đá của tượng. Đây cũng là pho tượng đá duy nhất được tạo tác từ hai khối tách rời gồm phần thân tượng và bệ tượng.

Tín ngưỡng thờ Quan âm đã được du nhập vào nước ta từ rất lâu nhưng không có bằng chứng chính xác để xác nhận tín ngưỡng này có mặt tại Việt Nam ở thời điểm nào. Đây là minh chứng cho việc tín ngưỡng thờ cúng Quan âm nước ta đã có từ rất sớm, ít nhất là đã thịnh hành tại miền Bắc Việt Nam từ thế kỷ 15.

Bia đá chùa Tĩnh Lự (xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình). Theo Hồ sơ di sản, Tĩnh Lự là ngôi chùa đầu tiên được vua Lý Thánh Tông cho xây dựng. Theo Việt sử lược chép năm 1055: "Xây chùa Đông Lâm và Tĩnh Lự ở núi Đông Cứu". Năm 1645 thời vua Lê Chân Tông, chúa Trịnh Tráng giao Quận công Nguyễn Công Hiệp lo việc trùng tu kiến thiết chùa Tĩnh Lự. Năm 1648, công việc hoàn thành, Trịnh Tráng cho dựng bia để ghi chép việc trùng tu.

Bia Tĩnh Lự là kiệt tác nghệ thuật của thời Lê Trung Hưng. Đây là hiện vật gốc trong di tích, được dựng theo sự chỉ đạo của chúa Trịnh Tráng để ghi chép về việc trùng tu, mở rộng quy mô chùa Tĩnh Lự. Nội dung văn bia ghi chép về việc trùng tu và những người công đức vào chùa Tĩnh Lự ở thời điểm bấy giờ nên đây là hiện vật mang tính độc bản.

Điểm nhấn của bia nằm ở hai bức phù điêu, hai bức chạm hai hoạt cảnh khác nhau nhưng cùng một đề tài, đó là đề tài "cầu hiền". Một bên chạm tích vua Thành Thang cử người cầu Y Doãn đang ẩn cư ở đất Hữu Sằn. Một bên chạm tích vua nhà Chu phái người cầu Khương Tử Nha (Lã Vọng) đang câu cá trên sông Vị Thủy. 

Hội đồng Di sản quốc gia đánh giá cao hai bức phù điêu được chạm nổi với kỹ thuật cao. Nhờ đó các đồ án, hình tượng được chạm khắc dày đặc trên bề mặt tấm đá nhưng lại rất phóng khoáng và có điểm nhấn. Các bức chạm có kích thước không lớn, tuy nhiên các đồ án trang trí trên bề mặt lại rất đa dạng với nhiều tuyến nhân vật, hình tượng: hình tượng con người, linh vật (rồng), con vật (trâu, ngựa), thiên nhiên (mây, cây cối, sông nước...). Các nhân vật cũng có các chi tiết đặc tả chân dung, y phục, dáng vẻ. Điều này cho thấy kỹ thuật chế tác đạt đến trình độ rất cao của nghệ nhân thời kỳ đó.

Ngoài giá trị về mỹ thuật, kiến trúc, nội dung văn bia cung cấp cho ta rất nhiều giá trị về việc nghiên cứu lịch sử trùng tu, mở rộng chùa Tĩnh Lự. Đồng thời ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên nơi đây.

Văn Chương

Tin mới