Hiện tỉnh Bắc Ninh có 13 bảo vật, nhóm bảo vật quốc gia gồm: Cửa võng đình Diềm; Bia Tiến sĩ Văn Miếu Bắc Ninh được lưu giữ tại TP Bắc Ninh; Tượng phật A Di Đà, Bộ tượng 10 linh thú (lưu giữ tại chùa Phật Tích, huyện Tiên Du); Tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay (lưu giữ tại chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành); Bia “Xá Lợi Tháp Minh” (hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh); Rồng đá (Xà thần) (lưu giữ tại đền thờ Lê Văn Thịnh, huyện Gia Bình); Ba pho tượng Tam Thế (ở chùa Linh Ứng, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành); Cột đá chạm rồng chùa Dạm; Bộ tượng Phật Tứ Pháp vùng Dâu - Luy Lâu (hiện thờ tại Chùa Dâu, Chùa Phi Tướng, Chùa Dàn, huyện Thuận Thành).
Đặc biệt, tại chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành, nơi đây lưu giữ 4 bảo vật quốc gia là Tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay; Bộ tượng Phật Tam thế; Hương án và Tòa Cửu phẩm liên hoa.
Mỗi Bảo vật được coi là minh chứng cho các mốc son trong lịch sử, văn hóa của đất nước. Đầu năm, ngoài về Bắc Ninh nghe những làm điệu dân ca Quan họ, du khách còn được chiêm ngưỡng những bảo vật quốc gia.
Cửa võng đình Diềm, phường Hòa Long, TP Bắc Ninh.
Đình làng Diềm được xây dựng năm 1692, có bức cửa võng được giới chuyên môn đánh giá là “có một không hai” ở xứ Bắc, được công nhận là bảo vật quốc gia vào tháng 1/2020.
Bức cửa võng đình Diềm có chiều cao 7m từ thượng lương xuống sát nền đình, gồm nhiều tầng, tạo thành nhiều lớp lang.
Nét độc đáo của đình Diềm chủ yếu ở chiếc cửa võng với nhiều tầng tạo ra nhiều lớp lang được sơn son thếp vàng theo tầng tầng lớp lớp.
Tượng phật Adiđà, chùa Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du.
Pho tượng A Di Đà ở chùa Phật Tích là kiệt tác điêu khắc thời Lý và đã được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013.
Pho tượng A Di Đà ở chùa Phật Tích được tạo tác bằng đá xanh, kích thước hiện tại cả bệ cao 2m77 thể hiện Đức Phật A Di Đà ngồi tọa thiền trên tòa sen theo lối kiết già toàn phần, dáng ngồi thanh thản tự tại.
Tượng A Di Đà là hiện vật lịch sử gắn liền với đạo Phật Việt Nam từ thời kỳ rất sớm. Đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Phật giáo nói riêng và nền tạo hình Việt Nam nói chung.
Bốn Bảo vật quốc gia tại chùa Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành.
Bức tượng Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành được công nhận là Bảo vật quốc gia vào tháng 10/2012. Tượng được tạc bằng đá cao 3,7m, cánh tay xa nhất dài 200cm, gồm 2 phần: tượng và bệ. Tượng ngồi trong tư thế thiền định, có 11 mặt chính nhìn ra phía trước, và 2 mặt phụ ở hai bên, đầu đội mũ "thiên quan".
Tượng có 42 cánh tay lớn, các cánh tay để trần, các bàn tay trong tư thế ấn quyết và thiền định, các vòng cánh tay phụ tạo thành một vòng tròn lớn đặt rời phía sau tượng (gồm 789 cánh tay) trong mỗi bàn tay có 1 con mắt. Phật ngồi trên toà sen hồng được trang trí hoa văn: sóng nước, rồng mây…Tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt, nghìn tay được coi là một tác phẩm độc nhất vô nhị trong nghệ thuật Phật giáo. Bức tượng này là tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của thời Lê Trung Hưng còn lại đến ngày nay.
Bộ tượng Tam thế phật có chất liệu gỗ phủ sơn, thếp vàng, gồm ba vị phật: Quá khứ thế (Trang nghiêm thiên kiếp phật), Hiện tại thế (Hiền kiếp thiên phật) và Vị lai thế (Tinh tiến kiếp thiên phật) mang ngụ ý về hằng hà sa số phật, vô lượng phật ở cả ba thời quá khứ, hiện tại, tương lai. Ba pho tượng này được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2020.
Tòa Cửu phẩm liên hoa (còn được gọi Cối kinh), là kiến trúc đặc biệt nhất của chùa Bút Tháp. Được kết cấu theo kiểu chồng diềm, với hàng cột ở giữa cao, to, chạy suốt từ tầng 1 lên tầng 3, các vì kèo được làm theo kiểu chồng rường, những đầu đao của 3 tầng mái cong vút.
Cửu phẩm liên hoa có hình bát giác, cao 7,8m, xếp 9 tầng theo kiểu tòa sen, thể hiện 9 kiếp tu của đức Thích Ca Mâu Ni. Trên tất cả các mặt của tòa cửu phẩm liên hoa có chạm các bức phù điêu về lịch sử Phật giáo như: Điểu thụ diễn pháp, Thất trùng bảo thụ, Hoa tạng thế giới, Sa bà thế giới, Thất bảo liên trì, Thích ca thuyết pháp, Kim địa lạc hoa, Tín thụ tác lễ, Thượng hữu lâu các...
Rồng Đá (Xà Thần), xã Đông Cứu, huyện Gia Bình.
Tượng rồng là khối sa thạch tạc thú lớn, có vảy rồng, nặng khoảng 3 tấn, cao 72cm, rộng 137cm, trong tư thế nằm cuộn khúc, đầu chầu phục, miệng cắn mình.
Pho tượng này được phát hiện vào năm 1991, đây là tác phẩm nghệ thuật hiếm thấy, với hình dáng kỳ dị nửa giống rồng, nửa giống rắn với tư thế "miệng cắn thân, chân xé mình". Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam chưa ghi nhận bức tượng nào có hình dáng tương tự. Pho tượng được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2013.
Bia Tiến sĩ Văn Miếu Bắc Ninh, phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh.
12 Bia Tiến sĩ Văn Miếu Bắc Ninh hiện lưu giữ tại Văn Miếu Bắc Ninh, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
12 tấm bia “Kim Bảng lưu phương” (Danh thơm lưu mãi bảng vàng) khắc năm 1889, ghi chép đầy đủ họ tên, quê quán, năm thi đỗ, chức vị của 677 vị tiến sỹ của vùng Kinh Bắc, từ khoa thi đầu tiên năm 1075 đến khoa thi năm 1919.
10 linh thú chùa Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du.
Nằm ở xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, chùa Phật Tích là một ngôi chùa cổ được xây từ thời Lý (năm 1057). Trong các hiện vật cổ còn được lưu giữ ở chùa có bộ tượng 10 linh thú được đánh giá là những tác phẩm điêu khắc có một không hai của thời nhà Lý.
Tượng 10 linh thú gồm 5 cặp ngựa, tê giác, trâu, voi, sư tử được xếp đối xứng nhau phía trước hành lang tòa Tam Bảo. Đây là những hiện vật gốc, độc bản, được tạo tác bằng đá sa thạch nguyên khối (trừ con trâu). Mỗi linh thú cao khoảng 1,2m, dài 1,5-1,8m và đều được đặt trên bệ đá hoa sen dài 1,7m, rộng 0,8m và cao 0,36m.
10 linh thú chùa Phật Tích gồm 5 cặp ngựa, tê giác, trâu, voi, sư tử được xếp đối xứng nhau phía trước hành lang tòa Tam Bảo.