Video: Niềm vui được mùa, trúng giá của nông dân trồng cam, bưởi ở Bắc Giang
Những ngày cuối tháng Chạp, bà con nông dân Lục Ngạn (Bắc Giang) đang vào vụ vụ thu hoạch cam, bưởi phục vụ Tết Nguyên đán. Vườn trên thì thu hái tấp nập, vườn dưới hàng chục xe tải lớn nhỏ đến chở cam và bưởi đi khắp mọi vùng miền trong cả nước. Từ nhiều năm nay, cam canh và bưởi Lục Ngạn trở thành cây trồng mũi nhọn, mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây.
Vài năm trở lại đây, cây cam canh và bưởi mang lại thu nhập cao cho người dân huyện Lục Ngạn, Bắc Giang.
Về Lục Ngạn bây giờ, ai cũng ngỡ ngàng khi vùng cây ăn quả nức tiếng với vải thiều đang trở thành vựa cam, bưởi của miền Bắc. Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, toàn huyện có 6.740 ha cam, bưởi với các giống: cam ngọt, cam lòng vàng, bưởi ngọt, bưởi diễn...
"Những ngày này, Lục Ngạn đang bước vào vụ thu hoạch cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng. Năm nay, nông dân Lục Ngạn rất phấn khởi vì cam, bưởi vừa được mùa, vừa trúng giá. Dự kiến sản lượng năm nay đạt hơn 60.000 tấn, đang cho thu hoạch và tiêu thụ thuận lợi. Ước tính giá trị sản xuất từ cây cam, cây bưởi đạt 1.700 tỷ đồng", ông Thi cho biết thêm.
Những chùm cam đường canh chín mọng đang bước vào mùa thu hoạch.
Anh Từ Văn Sảng (thôn Trại 3, xã Qúy Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) vui mừng chia sẻ: "Nhờ kỹ thuật chăm sóc tốt nên vườn cam của gia đình tôi mấy năm nay luôn được mùa. Với hơn 700 gốc cam, năm nay gia đình tôi thu hoạch được trên 30 tấn, với giá thương lái mua tại vườn là 67.000 đồng/kg, cho thu nhập gần 2 tỷ đồng, trừ hết chi phí thu về được hơn 1 tỷ đồng. Dự kiến Tết này, nhà tôi xuất bán khoảng 10 tấn cam đường canh".
Theo anh Sảng, để có được vườn cam đường canh đạt sản lượng, chất lượng cao, thời điểm cây ra hoa ngày nào anh cũng phải có mặt ở vườn để cắt tỉa, điều tiết tỷ lệ hoa, nhìn vào đặc điểm của cây để cân đối lượng phân, nước phù hợp. Cùng với đó, anh phải điều chỉnh dinh dưỡng cho từng gốc cam, khống chế cho cây ra quả nhỏ để tăng độ ngọt và giúp quả mọng nước; lắp đặt hệ thống nước tưới tại khu vực trồng cây để chủ động nguồn nước tưới vào những ngày nắng nóng, khô hanh.
Nhờ kỹ thuật chăm sóc tốt nên vườn cam của gia đình anh Từ Văn Sảng luôn được mùa, được giá.
Dẫn khách đi thăm vườn cam đường canh đang tấp nập nhân công thu hoạch và đóng thùng để đưa đi các nơi tiêu thụ, anh Trần Quang Hợp (ở thôn Lai Hòa, xã Qúy Sơn, huyện Lục Ngạn) cho biết: "Gia đình tôi trồng 300 gốc cam đường canh, năm nay thời tiết thuận lợi, ít mưa cho nên được mùa cam, ước tính cho thu hoạch hơn 30 tấn. Tới thời điểm này, nhà tôi đã tỉa bán được hơn 15 tấn quả và đến Tết gia đình tôi sẽ thu hoạch nốt số cam còn lại, doanh thu chắc chắn sẽ tăng hơn trước vì năng suất và giá bán đều cao hơn".
Vừa đóng cam cho khách, anh Hợp vừa phấn khởi khoe vụ này trừ chi phí gia đình anh cũng thu trên 1,5 tỷ đồng tiền lãi.
"Năm nay chúng tôi không phải lo về đầu ra vì thương lái đã đến đặt cọc mua cả vườn với giá 65.000 đồng/kg. Năm nay tiếp tục là năm thắng lợi của gia đình tôi và người trồng cam, bưởi của huyện", anh Hợp phấn khởi nói.
Vườn cam đường Canh của anh Trần Quang Hợp những ngày này tập nập cảnh thu hái quả để bán cho thương lái.
Đi giữa vườn bưởi vàng rực, sai trĩu quả, chuẩn bị bước vào thu hoạch rộ, anh Nguyễn Văn Khương ở xã Nam Dương hồ hởi cho hay, với hơn 200 gốc bưởi diễn, năm nay gia đình anh thu hoạch được hơn 1 vạn quả bưởi. So với các loại cây trồng khác, nhất là cây vải thiều thì thu lãi hơn và không vất vả như trồng vải, đặc biệt, quả bưởi bảo quản được lâu và vận chuyển dễ dàng.
"Năm nay, niềm vui của gia đình tôi được nhân đôi vì bưởi vừa được mùa lại được giá, trung bình mỗi cây bưởi có 50-60 quả. Với giá bán hiện nay 15.000 đồng/quả tại vườn thì năm nay gia đình tôi thu lãi 150 triệu đồng", anh Khương vui mừng nói.
Vườn bưởi sai trĩu quả của anh Khương cho thu lãi hơn so với trồng vải thiều.
Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, năm nay huyện được "mùa kép" cả 2 vụ vải thiều và cam, bưởi. Hiện nay, Lục Ngạn có gần 28.000 ha cây ăn quả các loại, doanh thu từ cây ăn quả năm 2021 trên địa bàn huyện đạt khoảng 6.500 tỷ đồng. Doanh thu từ vải thiều là 4.803 tỷ đồng; cam, bưởi là 1.700 tỷ đồng.
Doanh thu này hầu hết là ở các hộ sản xuất, vì hầu như hộ nào cũng có diện tích trồng, với nhiều loại cây ăn quả có chất lượng, sản lượng có giá trị kinh tế cao như: vải thiều, cam, bưởi, ổi, nhãn, táo…
"Chúng tôi xác định vải thiều là cây xóa đói giảm nghèo, còn cam và bưởi là cây làm giàu. Nhiều nông dân đạt doanh thu từ 2-3 tỷ đồng/năm từ cây cam, bưởi", ông Thi cho biết thêm.
Chuẩn bị bước vào cao điểm thu hoạch trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, nhằm giúp người nông dân tiêu thụ và quảng bá sản phẩm phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, UBND huyện Lục Ngạn phối hợp với Sở Công Thương triển khai quảng cáo, chào bán sản phẩm cam, bưởi trên một số trang web, sàn thương mại điện tử và tổ chức Ngày hội Trái cây và Hội chợ cam, bưởi, các sản phẩm đặc trưng của huyện.
"Khi vào cao điểm thu hoạch trái cây, chúng tôi khởi động chương trình du lịch trải nghiệm năm 2021 với chủ đề “Lục Ngạn mùa quả chín". Chính vì thế, vụ cam, bưởi năm nay, ngoài hợp đồng tiêu thụ, các hợp tác xã cùng nhiều nhà vườn ở huyện Lục Ngạn còn tổ chức đưa đón khách du lịch. Do đó, việc tiêu thụ cam, bưởi thuận lợi, giá bán tăng", ông Thi nói thêm.
Bên cạnh niềm vui trúng mùa, được giá, mùa quả ngọt năm nay là cơ hội để Lục Ngạn (Bắc Giang) hướng tới mục tiêu trở thành vùng cây ăn quả trọng điểm của cả nước.