Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chủ tịch Bắc Giang: Từng nghĩ đến kịch bản xấu nhất cho đầu ra của quả vải

(VTC News) -

Chủ tịch Lê Ánh Dương chia sẻ, trước tình trạng dịch COVID-19 bùng phát, Bắc Giang đã lên kế hoạch tình huống xấu nhất cho đầu ra của quả vải.

Bắc Giang có vùng trồng vải thiều lớn nhất miền Bắc. Ngoài thị trường nội địa, hàng năm, vải thiều Bắc Giang có mặt ở hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên năm nay, đúng vào dịp thu hoạch vải thì địa phương này bùng phát dịch COVID-19, trở thành ổ dịch lớn nhất cả nước.

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ với VTC News về những lo lắng, trăn trở khi lên kế hoạch vừa tìm đầu ra cho vải thiều để phát triển kinh tế, vừa tập trung phòng, chống dịch COVID-19.

- Cách đây 1 tháng, dịch COVID-19 ập đến Bắc Giang đúng thời điểm bà con chuẩn bị thu hoạch vải thiều. Khi đó, các lãnh đạo tỉnh Bắc Giang trăn trở để giải quyết bài toán vừa chống dịch và vừa phát triển kinh tế thế nào?

Khó khăn đầu tiên là dịch COVID-19 bùng phát trong các khu công nghiệp, sau đó chúng tôi đã phải đóng cửa 4 khu công nghiệp dẫn tới 160.000 công nhân không có việc làm. Để phòng chống dịch, tỉnh Bắc Giang phải giữ lại trên 60.000 công nhân là người của các tỉnh bạn đều ở lại Bắc Giang để làm sao phong tỏa vùng dịch, không để dịch lây nhiễm ra các tỉnh.

Dịch bệnh như thế nên ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như hoạt động tiêu thụ nông sản của nông dân, trong đó có vải thiều. Khi Bắc Giang trở thành vùng dịch thì các tỉnh xung quanh đều dựng các chốt để kiểm dịch, vì vậy mà việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.

Chúng tôi rất lo khi dịch bùng phát. Nếu không kiểm soát tốt dịch bệnh, đặc biệt là nếu không khoanh vùng được để dịch lan rộng trên địa bàn tỉnh, nhất là lan đến những vùng trồng cây đặc sản như vùng dứa của Lục Nam, vùng vải thiều Lục Ngạn, Tân Yên thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thu hoạch và tiêu thụ nông sản của bà con nông dân. Chính vì vậy mà tỉnh đã nhanh chóng có những quyết sách.

- Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, Bắc Giang có những kế hoạch thế nào để đảm bảo đầu ra cho quả vải?

Khi xây dựng phương án tiêu thụ vải năm nay, tỉnh Bắc Giang đã tính đến 3 kịch bản, trong đó có kịch bản dịch bùng phát mạnh, quả vải không thể tiêu thụ được.

Bắc Giang đã tính đến 3 kịch bản, trong đó có kịch bản dịch bùng phát mạnh, quả vải không thể tiêu thụ được.

Ông Lê Ánh Dương

Kịch bản thứ nhất là đến mùa tiêu thụ vải thiều mà khống chế được dịch thành công, và như vậy thì sẽ đảm bảo được cơ cấu tiêu thụ như mọi năm là 50% xuất khẩu, 50% tiêu thụ nội địa.

Kịch bản thứ hai là đến khi thu hoạch vải thiều thì dịch chưa hoàn toàn bị khống chế, nhưng cũng không còn khả năng lan rộng thì việc lưu thông đã bắt đầu có những thuận lợi, lúc đó sẽ thực hiện theo cơ cấu là 30% xuất khẩu, 70% tiêu thụ nội địa.

Còn kịch bản thứ ba là kịch bản xấu nhất khi chúng ta không khống chế được COVID-19, để dịch bùng phát mạnh trong cộng đồng và vải Bắc Giang sẽ không tiêu thụ được, thì chúng tôi sẽ phải thực hiện việc tiêu thụ nội tỉnh, thực hiện việc sấy khô để trở thành sản phẩm từ vải thiều tươi thành vải thiều sấy.

Như vậy, ngay cả tình huống xấu nhất chúng tôi cũng đã có những kịch bản để không bị động.

Từ tuần này, Bắc Giang chính thức bước vào vụ thu hoạch vải thiều.

- Điều khiến nhiều người ấn tượng là dù trở thành ổ dịch lớn nhất nước nhưng Bắc Giang không cần cộng đồng "giải cứu" vải thiều? Vậy quyết sách gì giúp Bắc Giang đạt được thành công bước đầu như vậy?

Khi Bắc Giang xuất hiện dịch, ưu tiên đầu tiên là chống dịch, cho nên nguồn lực về con người, về vật chất, về phương tiện thì sẽ ưu tiên cho chống dịch. Tuy nhiên, tỉnh vẫn xác định mục tiêu kép. Bởi vì nếu chúng ta chỉ chống dịch mà không chăm lo tới vấn đề sản xuất, tới đời sống của nhân dân, nhất là đời sống của nông dân thì hậu quả sẽ rất nặng nề.

Cho nên tỉnh Bắc Giang đặt ra chiến lược là một mặt là phải tập trung cao cho chống dịch, khoanh dần vùng dịch đẩy lùi về phía huyện Việt Yên để bảo vệ các huyện, thành phố khác an toàn.

Thứ hai là phải tập trung vào việc bảo vệ vùng vải để làm sao vụ vải thiều năm nay với dự báo được mùa, sản lượng lớn thì sẽ phải tiêu thụ được cho nông dân.

Thứ ba là phải đảm bảo những vấn đề an sinh xã hội, nhất là chăm lo cho đời sống công nhân khi ở trong vùng bị phong tỏa, cách ly.

 - Giá vải thiều năm nay ở Bắc Giang có bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 không, thưa ông?

Năm nay Bắc Giang có thể nói là rất thành công trong việc bảo vệ vùng vải thiều.

Hiện nay, toàn bộ vùng sản xuất vải thiều sớm của Tân Yên được bảo vệ hoàn toàn sạch COVID-19 và đã tiêu thụ hết. Đến nay bắt đầu vào chính vụ thì toàn bộ vùng vải thiều chính vụ của huyện Lục Ngạn đã được bảo vệ an toàn sạch COVID-19.

le anh duong.jpg

Vụ vải năm nay chúng tôi đánh giá là được mùa nhất so với nhiều năm trước và chất lượng vải năm nay vào mức tốt nhất so với những năm gần đây.

Ông Lê Ánh Dương 

Hiện các hợp đồng tiêu thụ cũng đang được ký kết giữa các chủ vườn với các thương nhân trong nước và ngoài nước. Vải Bắc Giang thì ngay từ đầu vụ đã bắt đầu xuất khẩu, chúng tôi đã xuất khẩu được trên 30% sản lượng tiêu thụ trong những ngày vừa rồi.

Vụ vải năm nay chúng tôi đánh giá là được mùa nhất so với nhiều năm trước và chất lượng vải năm nay vào mức tốt nhất so với những năm gần đây.

Năm nay có tin rất vui. Đó là ngay trước vụ vải, Nhật Bản đã chính thức cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản. Đây là loại trái cây duy nhất của Việt Nam được Nhật Bản bảo hộ chỉ dẫn địa lý, điều đó đã khẳng định thương hiệu cũng như chất lượng vải thiều Lục Ngạn đã đạt tầm thế giới, đã đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất trong nhập khẩu trái cây của Nhật Bản cũng như các nước châu Âu, Mỹ.

Thực tế thì vải Thiều Bắc Giang trong những ngày qua đã lên đường đi Nhật Bản, đi Mỹ và đi nhiều nước trên thế giới, và đã được người tiêu dùng chấp nhận.

Chúng tôi thấy rằng đây là 1 năm khó khăn trong đại dịch, thế nhưng nếu có sự quyết tâm vào cuộc của các cấp, các ngành cùng đồng hành với bà con nông dân thì chắc chắn chúng ta sẽ không chỉ thắng dịch dưới góc độ khống chế, dập được dịch mà còn ở góc độ là chúng ta bảo vệ nền sản xuất, đảm bảo được cuộc sống cũng như thu nhập cho nông dân.

- Khi biết tin Bắc Giang đang nằm trong vùng dịch, rất nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân chung tay tìm cách tiêu thụ vải, quảng bá giá trị của sản vật này giúp bà con nông dân. Ông đánh giá sao về điều này?

Bắc Giang rất trân trọng sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội cũng như các Bộ, ban, ngành Trung ương trong thời gian qua rất quan tâm tới vấn đề giúp đỡ, hỗ trợ bán hàng, chống dịch, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là tiêu thụ vải thiều.

Chúng tôi rất trân trọng những tình cảm cũng như trách nhiệm của các doanh nghiệp Nhà nước, các tổng công ty, tập đoàn, cũng như là thương nhân trong nước, quốc tế đã đến Bắc Giang giúp cho nông dân Bắc Giang tiêu thụ vải thiều trong mùa dịch này.

Tôi nghĩ tất cả những nghĩa cử đó sẽ không chỉ đóng góp cho việc tiêu thụ nông sản, đóng góp cho công tác phòng chống dịch, mà nó là niềm động viên cổ vũ rất lớn đối với Đảng bộ chính quyền nhân dân các dân tộc Bắc Giang. Chúng tôi sẽ phấn đấu phát triển đẩy mạnh phát triển kinh tế hội trong những năm tới.

 Xin cảm ơn ông!

Minh Tuệ - Tiến Dũng (thực hiện)

Tin mới