Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cách nhận biết cơn đột quỵ trước khi quá muộn: Người trẻ càng nên đọc

(VTC News) -

Đột quỵ và các triệu chứng giống như đột quỵ đều có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, do vậy cần nhận biết các dấu hiệu để có phương pháp phòng tránh kịp thời.

Người mẫu Mỹ Hailey Bieber - vợ của ca sĩ nổi tiếng Justin Bieber xác nhận rằng cô vừa phải nhập viện bởi triệu chứng giống như đột quỵ. Nguyên nhân sau đó được các bác sĩ kết luận rằng có liên quan đến một cục máu đông nhỏ trong não của cô. 

Việc một người trẻ tuổi phải nhập viện với các triệu chứng giống như đột quỵ khiến cho nhiều người bất ngờ, bởi đột quỵ thường liên quan đến những người lớn tuổi.

Tuy nhiên, thực tế rằng 15% số ca đột quỵ ảnh hưởng đến những người trong độ tuổi từ 18 - 55, và những ca như vậy ngày càng có xu hướng tăng lên. Một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên tạp chí Neurology cho thấy, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng 23% trong một thập kỷ, từ năm 1998 đến năm 2010.

Khi chia sẻ về những gì mình gặp phải, Hailey Bieber - 25 tuổi cũng không nói rõ được chính xác những triệu chứng mà cô ấy trải qua trước khi nhập viện khẩn cấp.

"Vào sáng Thứ Năm, khi đang ngồi ăn sáng cùng chồng thì tôi bắt đầu có các triệu chứng giống như đột quỵ và được đưa đến bệnh viện", cô nói. "Họ phát hiện ra rằng tôi bị một cục máu đông rất nhỏ ở não, gây ra tình trạng thiếu oxy. May mắn rằng tôi có thể tự hồi phục hoàn toàn trong vòng vài giờ".

Hiện, vẫn chưa rõ điều gì có thể gây ra các triệu chứng giống như đột quỵ của Hailey Bieber. Tuy nhiên, cho dù nguyên nhân là gì, điều quan trọng vẫn là nhận ra các dấu hiệu của đột quỵ, bất kể bạn bao nhiêu tuổi.

Đột quỵ là gì?

Gregory Albers, Giáo sư thần kinh học và khoa học thần kinh tại Trung tâm Y tế Đại học Stanford, California, Mỹ cho biết, đột quỵ là một chấn thương não xảy ra khi có sự gián đoạn đột ngột lưu lượng máu đến não.

"Não rất nhạy cảm với việc nhận đủ oxy và glucose qua máu. Đột quỵ giống như một cơn đau tim, nhưng nó xảy ra ở não thay vì tim", TS Albers cho biết.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), có hai loại đột quỵ chính: đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ xuất huyết.

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là loại đột quỵ phổ biến nhất và chiếm khoảng 87% tổng số ca đột quỵ. Loại đột quỵ này xảy ra khi cục máu đông chặn dòng chảy của máu và oxy lên não. Tình trạng tắc nghẽn xảy ra khi một động mạch trở nên quá hẹp, không đủ để máu đi qua được (còn gọi là "chứng hẹp" của một cơ quan trong cơ thể).

Chứng hẹp xảy ra do sự tích tụ của các cục máu đông và mảng bám, bao gồm một hỗn hợp các chất béo và cholesterol trên thành trong của động mạch. Các nguyên nhân của đột quỵ do thiếu máu cục bộ gồm hút thuốc, huyết áp cao, béo phì, mức cholesterol cao, tiểu đường và lạm dụng bia rượu.

Đột quỵ do xuất huyết ít phổ biến hơn và chiếm 13% các trường hợp đột quỵ còn lại. TS Albers cho biết, có hai loại đột quỵ do xuất huyết: xuất huyết trong não (phổ biến nhất, xảy ra khi động mạch não bị vỡ) và xuất huyết dưới nhện (loại ít phổ biến hơn, xảy ra khi chứng phình động mạch gây chảy máu xung quanh bề mặt não).

Máu bị rò rỉ có thể gây áp lực lớn lên các tế bào não, từ đó làm tổn thương các tế bào. Nguyên nhân chính của loại đột quỵ này là do huyết áp cao, thừa cân, uống quá nhiều rượu, hút thuốc, căng thẳng và lười vận động.

Ngoài ra, còn có thể xuất hiện tình trạng "cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua" - còn được gọi là đột quỵ nhỏ hoặc TIA - xảy ra khi nguồn cung cấp máu lên não tạm thời bị gián đoạn.

Mặc dù các triệu chứng của những cơn đột quỵ thoáng qua này giống như những cơn đột quỵ cấp tính, nhưng theo Viện Quốc gia về Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ Mỹ (NINDS), tất cả các dấu hiệu này đều cần được chuyên gia y tế xem xét và đánh giá một cách nghiêm túc. Một cơn đột quỵ nhỏ có thể là một dấu hiệu cảnh báo một cơn đột quỵ nghiêm trọng hơn có thể xảy ra trong tương lai.

Các yếu tố nguy cơ mãn tính, bao gồm tiểu đường, huyết áp cao, hút thuốc, béo phì và chế độ ăn uống không lành mạnh là một số tác nhân có thể gây ra các loại đột quỵ này.

Làm thế nào để nhận biết cơn đột quỵ?

Theo một cuộc khảo sát năm 2020 do Hiệp hội Tim mạch Mỹ thực hiện, mặc dù tỷ lệ đột quỵ đang gia tăng ở những người trẻ tuổi, nhưng khoảng 30% người trưởng thành dưới 45 tuổi không thực sự biết về các dấu hiệu cảnh báo của đột quỵ.

Xác định sớm một cơn đột quỵ hoặc các triệu chứng giống như đột quỵ là rất quan trọng. Theo CDC, việc nhận biết và điều trị nhanh chóng có thể làm giảm bất kỳ tổn thương não nào gây ra do đột quỵ. Đó là lý do tại sao các chuyên gia kêu gọi mọi người hãy nhớ cụm từ: B.E.F.A.S.T để dễ dàng phát hiện các dấu hiệu của đột quỵ.

B - balance: Cân bằng (Người đó có gặp khó khăn khi đứng lên không?)

E - eye: Mắt (Người đó có khó nhìn không?)

F - face: Khuôn mặt (Người đó có bị xệ mặt hay bị tê một bên mặt không?)

A - arm: Cánh tay. (Một cánh tay của cơ thể có bị yếu hoặc tê không?)

S - speech: Khả năng nói (Người đó có khó nói không?)

T - time: Thời gian (Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng trên, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức).

Đây không hẳn là danh sách bao gồm tất cả các triệu chứng của đột quỵ, ví dụ như đau đầu dữ dội cũng có thể là một triệu chứng giống đột quỵ nhưng không được liệt kê. Các dấu hiệu và triệu chứng của đột quỵ cũng có thể khác nhau tùy thuộc vào phần nào của não bị gián đoạn lưu lượng máu, TS Albers nói.

Ví dụ, nếu phần sau của não bị ảnh hưởng, bạn có thể gặp các vấn đề về thị giác. Nếu một cơn đột quỵ tác động đến các trung tâm cân bằng của thân não, bạn sẽ thấy quay cuồng, chóng mặt và đứng không vững.

"Bán cầu não trái là nơi phát triển các vùng ngôn ngữ và kiểm soát phần bên phải của cơ thể. Đột nhiên gặp khó khăn khi nói hoặc cảm thấy yếu và tê ở bên phải cơ thể là dấu hiệu điển hình cho một cơn đột quỵ liên quan đến bán cầu não trái", TS Albers nói. 

"Các triệu chứng sẽ thay đổi tùy thuộc vào phần nào của não bị ảnh hưởng", ông nói thêm.

Phương pháp ngăn ngừa đột quỵ hiệu quả

Một trong những cách chủ động nhất để duy trì sức khỏe tốt và tránh đột quỵ là ăn uống lành mạnh, cụ thể là tập trung vào thực phẩm ít natri và tránh thực phẩm chế biến sẵn, TS M. Lloyd-Jones, Chủ tịch Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho biết.

Bạn cũng nên ăn nhiều trái cây, rau và protein. Các bước bổ sung cần thực hiện bao gồm duy trì cân nặng hợp lý, tham gia hoạt động thể chất và tìm hiểu tiền sử đột quỵ trong gia đình.

TS Lloyd-Jones cho biết thêm: “Biết được chỉ số về huyết áp, lượng đường và cholesterol trong máu có thể giúp bạn lập kế hoạch kiểm soát nếu thấy có bất kỳ chỉ số nào tăng cao hoặc vượt quá mức bình thường".

CDC cũng có một phương pháp ghi nhớ để giúp mọi người biết cách ngăn ngừa đột quỵ, gọi là A.B.C.S

A - aspirin: Thuốc (Thuốc có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ, nhưng không nên dùng trong trường hợp đột quỵ đang diễn ra)

B - blood pressure: Huyết áp (Kiểm soát và theo dõi huyết áp của bạn)

C: Cholesterol (Kiểm soát và theo dõi lượng cholesterol của bạn)

S - smoking: Hút thuốc (Bỏ thuốc càng sớm càng tốt)

Trong khi đó, việc điều trị đột quỵ phụ thuộc phần lớn vào tình trạng đột quỵ, TS Lloyd-Jones nói. Nếu bạn có cục máu đông gây đột quỵ (đột quỵ do thiếu máu cục bộ), các bác sĩ thường sẽ sử dụng thuốc làm loãng máu - một cách hiệu quả để loại bỏ cục máu đông và khôi phục lưu lượng máu lên não để cứu các mô não.

Nếu bị chảy máu trong não (đột quỵ xuất huyết), điều trị thường bao gồm chụp CT đầu nhanh và có thể phẫu thuật, loại bỏ máu và giảm áp lực lên não.

Bảo Anh

Tin mới