Một số nghiên cứu, đánh giá được đưa ra nhưng các thông tin vẫn rất còn rất hỗn độn. Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Quốc tế kiêm chuyên gia y tế công cộng, dịch tễ học và bệnh truyền nhiễm Nam Phi, Giáo sư Salim Abdool Karim mới đây khẳng định các loại vaccine COVID-19 hiện tại khả năng vẫn hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và nhập viện vì nhiễm Omicron.
Trong khi đó Jesse Bloom, nhà sinh vật học tiến hóa tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle tin rằng, các đột biến trên Omicron so với các biến chủng khác sẽ khiến vaccine có thể kém hiệu quả hơn ở một mức độ nào đó chưa xác định.
Điều nguy hiểm ở Omicron là nó có ít nhất 32 đột biến ở protein gai - thành phần giúp virus bám vào tế bào cơ thể. Điều này khiến nó dễ lây lan và né vaccine. Omicron cũng được cho là sở hữu các đột biến nguy hiểm nhất của tất cả các biến thể từ trước tới nay.
"Dựa trên dữ liệu phân tích từ các biến chủng khác trước đây, chúng tôi tin các đột biến mới ở Omicron sẽ làm sụt giảm đáng kể kháng thể trung hòa”, ông Bloom nói.
Người dân ngồi chờ ở một điểm tiêm chủng tại Nam Phi. (Ảnh: Reuters)
Các nhà khoa học đang chạy đua với thời gian để thu thập thông tin về siêu biến chủng được đánh giá là nguy hiểm hơn cả Delta. Nhưng kết quả sẽ không thể có sớm.
Tiến sĩ Richard Lessells, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Đại học KwaZulu-Natal cho biết, giới chức Nam Phi ghi nhận sự gia tăng các ca tái nhiễm ở những người từng mắc COVID-19. Điều này cho thấy biến chủng mới có thể vượt qua hàng rào bảo vệ của khả năng miễn dịch tự nhiên.
Nếu vaccine được chứng minh là kém hiệu quả hơn đối với Omicron, chúng sẽ được điều chỉnh để nâng cao hiệu quả. Để chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất, Moderna, Pfizer-BioNTech và Johnson & Johnson đang lên kế hoạch thử nghiệm các phiên bản vaccine mới chống lại Omicron.
Moderna mới đây còn tuyên bố sẽ có vaccine trị Omicron vào đầu năm sau.
Các vaccine mRNA của Moderna và Pfizer chế tạo bằng công nghệ cho phép có thể sửa đổi nhanh chóng.
Bà Jerica Pitts, phát ngôn viên của Pfizer cho biết các nhà khoa học có thể điều chỉnh vaccine hiện tại trong vòng sáu tuần và xuất xưởng các lô ban đầu trong vòng 100 ngày trong trường hợp biến chủng mói né tránh hệ thống miễn dịch.
Theo Stephen Hoge, Chủ tịch Moderna, ngay cả khi không có dữ liệu về sự lây lan của Omicron, biến thể này vẫn là một mối đe dọa đáng kể với vaccine.
Cả Moderna và Pfizer đang lên kế hoạch đánh giá các mũi tiêm tăng cường, không rõ vaccine của họ có hỗ trợ hệ thống miễn dịch đủ để chống lại biến thể mới hay không. Mũi tiêm bổ sung của Pfizer và Moderna trước đó được chứng minh giúp tăng đáng kể mức độ kháng thể trong cơ thể người.
Nhưng Michel Nussenzweig, nhà miễn dịch học tại Đại học Rockefeller (Mỹ) cảnh báo các kháng thể đó có thể sẽ không đủ để vô hiệu hóa hoàn toàn Omicron.
Phiên bản vaccine nhằm vào biến chủng Omicron được tạo ra chỉ trong vài tuần sẽ là kỳ tích. Nhưng sản xuất và phân phối chúng sẽ là một vấn đề nan giải nữa.
Ông de Oliveira cho rằng cần ưu tiên phân phối vaccine cập nhật tới châu Phi. Nhưng đây cũng là các nước ít có khả năng chi trả nhất.
Để có được một bức tranh đầy đủ về hiệu quả của vaccine chống lại Omicron, bên cạnh việc xem xét mức độ kháng thể, các nhà khoa học cần nắm rõ khả năng các tế bào miễn dịch nhận ra và tiêu diệt các tế bào nhiễm bệnh. Tế bào miễn dịch này được gọi là tế bào T, rất quan trọng trong việc ngăn ngừa các ca bệnh tiến triển thành nghiêm trọng và gây tử tử vong.
Một số đột biến của Omicron xảy ra ở các bộ phận của virus mà tế bào T nhắm mục tiêu, có nghĩa là tế bào T khó nhận biết biến thể này.